Áp dụng liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV để giảm chi phí và thời gian
- Nguyễn Quân
- •
40 bệnh viện đầu tiên trên cả nước sẽ áp dụng liên thông xét nghiệm từ ngày 1/7, giúp giảm chi phí cho người bệnh, rút ngắn thời gian điều trị, đồng thời kiểm soát tình trạng lạm dụng xét nghiệm.
Về lý thuyết, khi các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì sẽ giảm chi phí, giảm thời gian chờ đợi điều trị của bệnh nhân. Theo tính toán, chỉ cần giảm 1% số xét nghiệm, mỗi năm có khoảng 4,75 triệu lượt xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện; với giá trung bình mỗi xét nghiệm là giá 50.000 đồng, sẽ tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng.
Theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình thực hiện như sau: chậm nhất đến năm 2018, liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương; chậm nhất đến năm 2020, liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2025, liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên cả nước.
Trước mắt, trước ngày 1/7/2017, Bộ Y tế sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ, theo yêu cầu từ Công văn số 1154/VPCP-KGVX ngày 13/2/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác, dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm khi chuyển tuyến, hoặc đi khám lại ở viện khác. Nguyên nhân có thể do nhiều loại xét nghiệm mà kết quả có thể thay đổi theo thời gian và do đa số các phòng xét nghiệm của các bệnh viện hiện còn chưa đồng chuẩn, có sự chênh lệch về chất lượng xét nghiệm.
Tại hội nghị triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm chiều 23/6, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết Việt Nam sẽ có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng xét nghiệm với 12 yếu tố liên quan đến chất lượng, được quy ra 169 tiêu chí cụ thể theo điểm số. Có 5 mức chất lượng, phòng xét nghiệm nào được điểm cao thì độ chính xác, độ tin cậy càng lớn. 40 bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện thuộc các trường khối y dược sẽ liên thông kết quả xét nghiệm. Trước mắt, ưu tiên cho các phòng xét nghiệm đã đạt tiêu chuẩn ISO 15189.
Theo Tổng hội Y học Việt Nam, hiện nay mới chỉ có khoảng 40/3.000 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 15189.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV giảm chi phí người bệnh rút ngắn thời gian điều trị