Bánh mì Phượng bị đình chỉ 3 tháng, mức thấp nhất của khung hình phạt
UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt 96 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với cơ sở Bánh mì Phượng (TP. Hội An) sau khi gây nên vụ ngộ độc đối với 313 thực khách.
- Ngộ độc ‘bánh mì Phượng’: Cả thịt và rau trong nhân bánh đều nhiễm khuẩn
- Bánh mì Phượng bị đề xuất phạt hơn 110 triệu đồng
Ngày 3/10, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 (địa chỉ số 02B đường Phan Chu Trinh, Phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Cơ sở Bánh mì Phượng Hội An được xác nhận có 5 hành vi vi phạm hành chính, gồm: (1) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; (2) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; (3) Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; (4) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; Chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; trang thiết bị dụng cụ bảo quản chưa được vệ sinh).
(5) Chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vi phạm thứ 5 được xác đinh là lỗi nặng nhất. Trong vụ ngộ độc ngày 11-12/9, tổng cộng 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng.
Nguyên nhân ngộ độc được xác định do vi khuẩn Salmonella có trong các loại thực phẩm đã chế biến tại đây, thông qua kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm do Viện Pasteur thực hiện.
Với 5 vi phạm trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề xuất mức phạt 110,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh 5 tháng đối với cơ sở Bánh mì Phượng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 22, Nghị định số 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, riêng lỗi vi phạm thứ 5 như xác định của Sở Y tế có mức phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng, với hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 – 5 tháng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh quyết định tổng mức phạt hành chính là 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp 3 tháng đối với cơ sở này.
Theo UBND tỉnh, lý do phạt mức thấp hơn đề xuất của cơ quan chuyên môn là do UBND tỉnh xem xét các tình tiết giảm nhẹ, bao gồm hộ kinh doanh vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm như tự nguyện đóng cửa kinh doanh vào ngày 13/9 sau khi nghe thông tin về ngộ độc; tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (hộ kinh doanh đã tự nguyện đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm hỏi và chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí). Ngoài ra, hộ kinh doanh Bánh mì Phượng đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.
Sau vụ gây ngộ độc, cơ sở Bánh mì Phượng 2 có Đơn xin giảm nhẹ hình phạt vi phạm hành chính gửi đến UBND tỉnh với các tình tiết giảm nhẹ như: Gia đình xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn để gầy dựng thương hiệu; gia đình có truyền thống cách mạng; cơ sở Bánh mì Phượng 2 cũng đã tích cực ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm; tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại bao gồm chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí… Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ sở Bánh mì Phượng 2 phải hoàn trả kinh phí cho các cá nhân, tổ chức bị ngộ độc thực phẩm được khám và điều trị tại các cơ sở y tế cũng như chi phí vận chuyển mẫu cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam. |
Từ khóa ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng