Theo đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, có cán bộ, công nhân viên chức ở UBND còn chưa nhận thức đầy đủ 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

nguoi dan lam thu tuc hanh chinh
Người dân đang làm thủ tục hành chính tại UBND quận Thủ Đức. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Luật Cư trú năm 2020 trong đó quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Sau gần 1 tháng rưỡi chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy, nhiều người dân phản ánh bức xúc khi vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính.

Về việc này, báo chí nhà nước dẫn đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (giấu tên, Bộ Công an) cho biết, khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính là đúng.

Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, mà vẫn bắt công dân phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là “hành dân”, là “gây khó dễ” cho người dân.

Theo báo Công an nhân dân, tại Hà Nội, đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an Hà Nội) cho biết còn cán bộ, công nhân viên chức ở UBND chưa nhận thức đầy đủ 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Phần lớn trường hợp người dân ở Hà Nội phải đến công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn, bởi nhiều người trong khoảng thời gian từ 18 đến 40 tuổi biến động chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết, trong khi dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết trước khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, Cục đã có những hướng dẫn cách thức thay thế sổ hộ khẩu. Các bộ, ngành, địa phương và người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, gồm:

  1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
  2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp.
  3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.
  4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính.
  5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng).
  6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
  7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).

Minh Long