Bình Định: Nhà máy nước sạch hơn 7 tỷ đồng bỏ hoang gần 10 năm
- Minh Long
- •
Nhà máy nước sạch Vân Canh có tổng vốn hơn 7 tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động 4 tháng rồi bỏ hoang từ tháng 4/2014 đến nay.
- Thái Nguyên: Bệnh viện hơn 2.000 tỷ đồng bỏ hoang gần 10 năm
- Nghệ An: Nhà máy nước sạch gần 26 tỷ đồng bỏ hoang nhiều năm
- Thanh Hóa: Hai lò đốt rác gần 20 tỷ đồng bị bỏ hoang
Nhà máy cấp nước sạch Vân Canh (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) được khởi công từ năm 2012, do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng, từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn, vốn Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và vốn ngân sách tỉnh.
Với nhà máy xử lý nước công suất 1.400 m3/ngày đêm, công trình có nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12.000 người dân ở xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh.
Tháng 12/2013, sau khi hạng mục nhà máy xử lý nước hoàn thành, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sạch, Sở NN&PTNT Bình Định đã giao cho UBND huyện Vân Canh quản lý.
Công trình được kỳ vọng giải quyết bài toán thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân địa phương. Thế nhưng, công trình hoạt động khoảng 4 tháng, đến tháng 4/2014, nhà máy xử lý nước sạch dừng hoạt động, hệ thống chỉ còn cấp nước sinh hoạt cho đến nay.
Trong khuôn viên nhà máy nước có 3 khu nhà, 1 bể chứa nước, 1 bể xử lý nước đều bỏ hoang. Thiết bị tại hệ thống trạm bơm cấp 1, nhà máy xử lý nước bị hoen rỉ; bể chứa nước sạch, nhà hóa chất, hồ lắng bùn, nhà quản lý cũng bị rêu bám đầy. Cỏ dại mọc um tùm trong khuôn viên công trình…
Báo Bình Định dẫn lời một lãnh đạo thị trấn Vân Canh (không nêu danh tính) ngao ngán nói: “Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở địa phương là rất lớn, vậy mà công trình được đầu tư hàng tỷ đồng này lại không hoạt động, lãng phí quá”.
Lý giải nguyên nhân nhà máy cấp nước hoạt động không hiệu quả, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết thời điểm năm 2013, mức giá nước được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đề xuất 4.500 đồng/m3 là khá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân ở địa phương, bởi Vân Canh là huyện miền núi, người dân đa phần là dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, cho biết thêm vị trí đặt nhà máy nước sạch là chưa hợp lý. Vào mùa nắng, nhà máy không có đủ nước để hoạt động. Thời điểm này, nước lấy được từ sông Hà Thanh cũng rất hạn chế, mà phải qua 2 lần bơm mới đến được nhà máy, gây tốn kém.
Về giải pháp khắc phục, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết Sở đề xuất tiếp nhận lại toàn bộ hệ thống cấp nước sạch Vân Canh từ UBND huyện Vân Canh và giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành.
Sở cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có một chính sách riêng về hỗ trợ giá nước sạch đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. “Chỉ có như thế thì giá nước mới giảm xuống thêm, phù hợp với thu nhập của người dân những vùng này”, ông Phúc nói.
Từ khóa Bình Định nhà máy nước công trình bỏ hoang Nhà máy nước sạch Vân Canh nhà máy nước sạch bỏ hoang Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định