Theo đề xuất của Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, giới chức tỉnh này đã chấp thuận và xin lên Bộ Y tế để đưa công nhân vào thí điểm tiêm vắc-xin Nano Covax số lượng lớn dù loại vắc-xin này chưa được cấp phép.

tiem vac xin 25 6 binh duong
Một người đang tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 AstraZeneca trong đợt 3, tỉnh Bình Dương, tháng 6/2021. (Ảnh: baobinhduong.vn)

Ngày 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ông Võ Văn Minh ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc xin tham gia “Chương trình tiêm thí điểm Vaccine Nano Covax giai đoạn 3” (bắt đầu từ giữa tháng 6/2021, dự kiến kết thúc trong tháng 8/2021), truyền thông trong nước đưa tin.

Về lý do, giới chức tỉnh đưa ra con số 17.354 ca mắc COVID-19 toàn tỉnh, dự kiến có thể tăng lên 20.000 ca nhiễm và 200.000 ca nghi nhiễm, nhận định dịch bệnh “đang diễn biến phức tạp, tác động to lớn đến tính mạng, sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế, an ninh chính trị tại địa phương”.

200.000 tình nguyện viên tham gia tiêm thí điểm là nhân viên và công nhân của các hiệp hội và doanh nghiệp thành viên của Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đang làm việc trong tỉnh, theo nội dung văn bản. Tuy nhiên thông tin không nêu rõ đây là người thường trú tại tỉnh Bình Dương hay lao động nhập cư.

Về quy mô, số lượng 200.000 công nhân, nhân viên do Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đưa vào chương trình tiêm thí điểm hiện chiếm khoảng 16% trong tổng hơn 1,2 triệu người lao động làm việc tại tỉnh này (đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước), trong đó lao động phổ thông chiếm số lượng lớn (*).

Trước đề xuất đăng ký thử nghiệm Nano Covax số lượng lớn với công nhân, nhân viên dù vắc-xin này chưa chính thức được cấp phép, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương giải thích “vì ông và các thành viên liên đoàn có niềm tin vào hiệu quả của vắc xin được sản xuất trong nước” – trích bản tin từ báo Tuổi Trẻ.

“Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí để tiêm vắc xin trong nước cho người lao động của mình. Giải pháp vắc xin vẫn là giải pháp tốt nhất để phòng chống COVID-19, rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm cũng như thiệt hại gây ra nếu người lao động bị nhiễm COVID-19” – ông Tín trả lời phỏng vấn của báo này.

Thông tin dẫn từ bài báo không đề cập đến phương án cho tình huống rủi ro đối với các tình nguyện viên sau khi tiêm thí điểm vắc-xin Nano Covax.

Trung tuần tháng 6, một công văn lan truyền với nội dung “Xin cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin Nano Covax”. Ngày 22/6, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) thừa nhận văn bản do công ty ban hành, gửi Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vắc xin Nana Covax.

Tại thời điểm đưa ra đề nghị (ngày 15/6), công ty này cho hay vắc-xin Nano Covax hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 13.000 người.

Ngày 23/6, báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ đại diện Bộ Y tế – ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết Nanogen gửi thẳng đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, không thông qua Bộ Y tế, trái quy trình là phải gửi Bộ Y tế để được xem xét, góp ý.

Theo ông Quang, vắc-xin Nano Covax đã xong giai đoạn 2 thử nghiệm, theo đánh giá có sinh miễn dịch rất tốt. Tuy nhiên, việc nghiên cứu mới chỉ ở cỡ mẫu vừa phải. Hiện vắc-xin này mới bước vào giai đoạn 3 và vừa tiêm xong mũi 1 cho 1.000 người trong số 13.000 người theo kế hoạch thử nghiệm. Do đó, “ở thời điểm này, chưa có đầy đủ dữ liệu khoa học để đề xuất cấp phép khẩn cấp hay không cho vắc-xin Nano Covax.”

Ngày 22/7, Công ty Nanogen cập nhật  tiếp tục đưa ra đề nghị trước  Bộ Y tế, cho hay đã tiêm  thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, giai đoạn 1 – 60 người, giai đoạn 2 – 560 người và giai đoạn 3 – 13.000 người. Trong giai đoạn 3, có 1.004 người tiêm đủ 2 liều.

Theo động thái gần nhất, vào chiều 29/7, Chủ tịch nước – ông Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Công ty Nanogen và yêu cầu Bộ Y tế cấp phép sớm để Công ty Nanogen sớm sản xuất vắc-xin Nano Covax và chính thức đưa vào sử dụng.

Vắc-xin ngừa COVID-19 Nano Covax do Công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của loại vắc-xin này gồm: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021.

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đối với cộng đồng, được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.

Ngày 31/7, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh này đã tiến hành 7 đợt tiêm vắc-xin COVID-19, tổng cộng trên 97.600 liều, sắp tới tổ chức các đợt 8, 9, 10.

Theo Sở này, trong đợt 8, vì vắc xin Pfizer có số lượng ít nên sẽ tiêm cho: những người có bệnh lý nền, cán bộ tham gia phòng chống dịch chống chỉ định với loại vắc xin khác, người trên 65 tuổi (cán bộ hưu trí chuẩn bị hỗ trợ chống dịch).

Đợt 9, 10 sử dụng vắc-xin AstraZeneca và Moderna, sẽ tiêm cho: nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 và chống dịch (tiêm mũi 2), nhân viên y tế tại các cơ sở y tế (không phân biệt công lập và tư nhân), người tham gia phòng chống dịch, người hoãn tiêm các đợt trước; người thu gom rác thải, cung cấp suất ăn, hàng hóa nhu yếu phẩm cho khu cách ly, khu điều trị; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: vận tải, điện, nước; người làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp (đã đăng ký trước đó).

Minh Sơn

(*) Số liệu theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương/Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương dẫn lại.

Xem thêm:

Tiêm vắc-xin Sinopharm (TQ) cho hơn 6.000 tiểu thương, xe ôm, cửu vạn… ở TP Hạ Long