Bộ Công an đề xuất khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù cần thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân, áp dụng với trường hợp chưa có thông tin.

bo cong an de xuat thu thap adn cua 190 000 pham nhan het 190 ty dong
Bộ Công an đề xuất giám sát điện tử với người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, hoãn chấp hành án phạt tù hoặc tha tù trước thời hạn có điều kiện. (Ảnh minh họa: Melnikov Dmitriy/shutterstock)

Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Theo dự kiến, dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Thu thập ADN của 190.000 phạm nhân

Dự án luật có bổ sung quy định về việc khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù cần thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân (trường hợp chưa có thông tin).

Đối với khuôn mặt, vân tay, mống mắt và giọng nói, Bộ Công an đã và đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư. Do đó, việc bổ sung quy định này chỉ tổ chức thực hiện, không mất kinh phí đầu tư cơ sở vật chất.

Riêng hoạt động thu thập sinh trắc học ADN, dự thảo cho biết sẽ cần chi phí vật tư tiêu hao (mẫu thử) để thực hiện, dự kiến khoảng 1 triệu đồng/mẫu. Với số lượng phạm nhân đang bị giam giữ hiện nay khoảng 190.000 người, chi phí dự kiến để thu thập ADN là khoảng 190 tỷ đồng.

Bộ Công an tính toán việc thực hiện thu thập thông tin sinh trắc học dự kiến quy định ngay từ giai đoạn tạm giữ, tạm giam. Các năm tiếp theo, việc thu thập thông tin sinh trắc học đối với phạm nhân (sau khi thu thập đối với 190.000 phạm nhân hiện có) sẽ không phát sinh nhiều kinh phí, vì đã thu thập trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.

Đề xuất giám sát điện tử

Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng, gồm các nội dung: đối tượng áp dụng, trình tự, thủ tục, điều kiện, phương thức áp dụng, hình thức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền quyết định giám sát điện tử…

Cùng với đó là quy định về vị trí pháp lý của Trung tâm Giám sát điện tử, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong việc giám sát điện tử, máy chủ trung tâm, đường truyền kết nối, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bộ Công an cho biết nhiều quốc gia đã áp dụng giám sát điện tử người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng, như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Việc giám sát điện tử sẽ giúp công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng thay đổi một cách cơ bản; giúp chính quyền địa phương quản lý tốt hơn những người này, nhất là những người có nhân thân phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tái phạm.

Đáng chú ý, với đề xuất trên, ngân sách sẽ phải chi trả các khoản kinh phí gồm: chi phí ban đầu khi mua thiết bị giám sát điện tử, chi phí xây dựng Trung tâm Giám sát điện tử, chi phí duy trì hoạt động của các thiết bị có liên quan.

Trong đó, dự kiến tổng kinh phí ban đầu là hơn 656 tỷ đồng, tổng kinh phí duy trì hàng năm là hơn 95 tỷ đồng.

Đề xuất cũng làm phát sinh chi phí sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, với tổng chi phí dự kiến hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí để tổ chức triển khai thi hành trên thực tế khoảng 2 tỷ đồng.

Phạm nhân được tham gia bảo hiểm

Bộ Công an còn đề xuất bổ sung quy định về phạm nhân được tham gia bảo hiểm y tế do Nhà nước đóng.

Bộ Công an dẫn quy định tại luật Bảo hiểm y tế cho thấy mức đóng hằng tháng đối với người thuộc diện do Nhà nước đóng khoảng 6% mức lương cơ sở (2,43 triệu đồng x 6% = 145.800 đồng, 1 năm tham gia bảo hiểm y tế là hơn 1,749 triệu đồng).

Với số lượng khoảng 190.000 người, dự kiến kinh phí Nhà nước chi trả cho phạm nhân tham gia bảo hiểm y tế là hơn 332 tỷ đồng.

Trong các năm tiếp theo, việc bổ sung chi phí tham gia bảo hiểm y tế sẽ căn cứ theo số lượng phạm nhân mới tiếp nhận và thời gian chấp hành án của phạm nhân (thời hạn chấp hành án còn trên 1 năm).

Riêng với phạm nhân có thời hạn chấp hành án không đủ 1 năm, Bộ Công an đề xuất không mua bảo hiểm y tế đối với nhóm này.

Minh Long