Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu từ 180.000 đồng – 260.000 đồng/tháng
- Nguyễn Quân
- •
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022. Mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng, so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Theo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, các mức lương tối thiểu tháng được xác định theo 4 vùng: vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng.
So với mức lương hiện hành, mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng, gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình (tính đến hết năm 2023) và tăng 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.
Mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng lần lượt: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Tại tờ trình trên, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm bác bỏ một số ý kiến của doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian điều chỉnh lương tối thiểu đến ngày 1/1/2023 để hồi phục sau dịch COVID-19, đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022.
Bộ này cho rằng việc điều chỉnh tại thời điểm trên là “rất cần thiết”, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch COVID-19.
Vẫn theo Bộ LĐ-TB&XH, mức điều chỉnh lương tối thiểu không cao (tăng 6%), cũng chỉ bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn một chút so với mức sống tối thiểu của người lao động; đa số các doanh nghiệp hiện đều trả cao hơn mức lương tối thiểu này nên về cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH cho hay Hội đồng tiền lương quốc gia (với sự tham gia đại diện của 3 bên gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhất trí với thời điểm này.
Đối với vấn đề mức lương tối thiểu giờ, có ý kiến rằng cần xem xét thêm về phương pháp xác định lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn để bảo vệ quyền lợi của nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết Hội đồng tiền lương quốc gia đã lựa chọn phương pháp quy đổi tương đương (lấy mức lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn trong tháng theo quy định của pháp luật) để tránh tạo ra sự xáo trộn đến việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Đây cũng là phương pháp mà các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn, nhất là trong lần đầu triển khai quy định về lương tối thiểu giờ.
Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã không tăng, áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng II 3,92 triệu đồng/tháng; vùng III 3,42 triệu đồng/thángvà vùng IV 3,07 triệu đồng/tháng So với mức lương tối thiểu vùng năm 2022 đang được đề xuất, vùng I tăng 260.000 đồng/tháng; vùng II tăng 240.000 đồng/tháng; vùng III tăng 220.000 đồng/tháng; vùng IV tăng 180.000 đồng/tháng. |
Nguyễn Quân
Từ khóa tăng lương tối thiểu vùng lương tối thiểu giờ