Tại Đại hội Đảng, Bộ trưởng Nhạ che giấu những bê bối ngành giáo dục?
- Ngọc Long
- •
Trong một bài phát biểu của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam cho thấy những bê bối của ngành giáo dục Việt Nam không được ông Nhạ nói cụ thể mà chỉ nói chung chung rằng: “Bên cạnh kết quả, thành tựu ngành giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập như công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập…”.
Hôm 27/1, báo chí nhà nước lan truyền phát ngôn từ ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam trong một bài tham luận tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 rằng: “Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp GD&ĐT nước ta tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”.
Ông Nhạ đưa hàng loạt dẫn chứng như:
“… Nhà nước đã hỗ trợ tiền ăn trưa với một số trẻ vùng khó khăn; trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường;
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, giáo dục Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển;
Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở top đầu của khối ASEAN; giáo dục tiểu học đứng vào top đầu của các nước ASEAN;
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam đạt 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với năm 2011-2015 (27 huy chương vàng)…”
Điều đáng nói, bài tham luận của ông Nhạ lại không hề đề cập tới những bê bối của ngành trong thời gian qua như: gian lận thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia; quan chức dùng bằng giả; Việt Nam quá nhiều tiến sỹ, chất lượng đào tạo quá kém…
Đơn cử là vụ tai tiếng trong ngành giáo dục Việt Nam gần đây nhất khiến dư luận bất bình là việc biên soạn sách giáo khoa, mà theo nhiều phụ huynh, giáo viên… đánh giá là thiếu nhân văn, dạy học sinh tính lừa lọc, mưu mẹo… cũng không được nhắc tới.
- SGK tiếng Việt lớp 1: Dạy học sinh tính lừa lọc, mưu mẹo, cách trốn việc…?
- Sai sót vụ SGK lớp 1: ‘Nếu chấp nhận thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại…’
Ông Nhạ chỉ nói chung chung rằng:
“Bên cạnh kết quả, thành tựu ngành giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập như công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn hội đồng trường còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò.
Cùng với đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội”.
Trước đó, hôm 2/5/2019, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số tại Trường ĐH Sài Gòn.
Trước phát ngôn của ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội rằng: “Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới”, một hiệu trưởng một trường ĐH có mặt trong tọa đàm nói ngay: “Giáo dục Việt Nam đang kém nhất thế giới chứ không phải hàng đầu thế giới”.
“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới, nếu chúng ta không kịp thay đổi trong 5 năm nữa thì mình tiếp tục thua kém thế giới cả 10 lần”, tờ Thanh Niên dẫn lời vị hiệu trưởng nhấn mạnh.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học và ngôn ngữ học đặt nghi vấn: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”.
GS Thêm cho rằng giáo dục Việt Nam đang theo kiểu đối phó. “Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA rất cao. Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường, người học gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ”.
Theo ông Thêm, vấn đề cần bắt đầu ở đây là từ con người, trong đó cần xem lại hệ giá trị hướng đến cái gì. “Giáo dục phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hướng đến tiền, thành tích, không phải đối phó”, ông Thêm nói.
Tờ Giáo dục Việt Nam hồi tháng 10/2020 trong một bài viết tựa đề “Thất bại của giáo dục Việt Nam có bắt nguồn từ những cuốn sách giáo khoa lớp 1?” đã phải viết rằng: “Xin lưu ý, rằng đánh giá “Giáo dục Việt Nam thất bại” không phải là của riêng người viết mà đã và đang được nhiều người, nhiều cơ quan báo chí nêu trong hàng chục bài báo, liên tục trong nhiều năm cho đến ngày nay”.
Ngọc Long
Từ khóa Bộ GD&ĐT Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ