Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng bác sĩ học 6 năm ra trường nhưng vẫn xếp lương bậc 1 là thấp nên đề nghị được xếp luôn lương bậc 2.

bo truong y te de xuat bac si ra truong duoc xep luon luong bac 2 scaled
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng ngày 12/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết cả 3 chân kiềng ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang rất khó khăn. Vậy Bộ trưởng đã có những giải pháp đột phá nào để tháo gỡ?

Cụ thể, về cung ứng, theo bà Lan, tình trạng thiếu thuốc là triền miên. Thời gian qua các bệnh nhân thiếu thuốc phải tự mua thuốc bảo hiểm y tế và cho tới giờ vẫn chưa có một động thái nào về phía cơ quan chức năng để có thể đền bù lại chi phí này.

Bao giờ Bộ sẽ có tổng kết chính thức về mô hình xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh để thật sự tăng tính tự chủ của các cơ sở chứ không chỉ cắt giảm chi từ ngân sách. Bộ trưởng có đấu tranh gì để tăng ngân sách đầu tư cho ngành y tế, bà Lan hỏi.

Về y tế dự phòng, bà Lan đặt câu hỏi thu nhập của nhân viên y tế và tình trạng xin nghỉ việc đã có cải thiện gì? Nếu như dịch bệnh quay trở lại thì ngành y tế có tự tin ứng phó được hay không?.

pham khanh phong lan scaled
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM). (Ảnh: quochoi.vn)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói, các vấn đề đại biểu nêu nếu được trả lời bằng văn bản thì đầy đủ hơn, còn trả lời trực tiếp thì khái quát là Chính phủ đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để củng cố lại ba trụ cột đại biểu nêu.

Theo đó, các văn bản pháp luật liên quan đến dự phòng, điều trị và cung ứng y tế đang được rà soát và bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành y tế, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Bộ sẽ xây dựng Luật Phòng bệnh mới, thay thế Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh.

Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2023 đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho lĩnh vực khám chữa bệnh. Luật Dược, Luật Đấu thầu và các chiến lược phát triển ngành y tế đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc men và vật tư y tế. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và các địa phương, năng lực của ngành y tế đang được nâng cao.

Về thu nhập của nhân viên y tế, Bộ trưởng cho biết Bộ đã có các văn bản đề xuất sửa đổi liên quan chế độ phụ cấp, tiền trực…

“Chúng tôi rất mong khi cải cách tiền lương có quy định cho nhân viên ngành y học 6 năm ra được xếp ngay lương bậc 2. Vì hiện nay anh em học 6 năm xếp lương vẫn bậc 1 như là với các cử nhân khác”, Bộ trưởng nêu và mong được Bộ Nội vụ, Chính phủ ủng hộ cho đề xuất đó.

Về tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã giảm hơn rất nhiều. “Nếu có dịch bệnh trở lại thì ngành y tế chắc chắn phải làm, phải ứng phó. Còn giải pháp thì chúng tôi đang rà soát củng cố năng lực của hệ thống y tế. Đợt bão số 3 – bão Yagi vừa rồi cũng thể hiện ngành y tế trước mỗi khó khăn của người dân đều không chùn bước. Đó là cố gắng nỗ lực chung của ngành y tế đối với sức khỏe người dân trước thảm họa, thiên tai. Đó là lời hứa của ngành y tế đối với nhân dân cả nước”, bà Hồng Lan nói.

nguyen thi yen nhi scaled
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre). (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, tại phiên chất vấn hôm qua (11/11), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cũng phản ánh tình trạng một số bác sĩ sau khi được đào tạo theo địa chỉ thì chỉ một thời gian ngắn chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư và sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hạn chế tình trạng này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vào giai đoạn năm 2022, việc nhân viên y tế nghỉ việc là vấn đề rất bức xúc. Khi đó, có khoảng hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc.

Bà Lan cho biết để giữ chân đội ngũ nhân viên y tế sau dịch COVID-19, Bộ Y tế đang tập trung sửa đổi Nghị định số 56 năm 2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo đối với nhân viên y tế.

Sửa Quyết định 73 năm 2011 về chế độ tiền trực, các phụ cấp đặc thù đối với nhân viên ngành y tế;

Sửa Quyết định số 75 năm 2009 liên quan tới chế độ đối với nhân viên y tế thôn bản.

Cùng với đó, rất nhiều địa phương cũng đã đánh giá tình hình sử dụng nhân viên y tế và vấn đề nhân viên y tế bỏ việc và có nhiều chính sách được HĐND thông qua để thu hút, giữ chân đội ngũ nhân viên y tế của đội ngũ y tế công lập.

“Hiện nay, đội ngũ nhân viên y tế công lập vẫn chiếm 95% số cán bộ nhân viên y tế phục vụ cho người dân. Vì vậy, đây là lực lượng rất quan trọng. Nếu chúng ta không có những quy định tốt, chính sách tốt để giữ chân đội ngũ này sẽ khó khăn để họ đảm bảo điều kiện cuộc sống”, bà Lan cho hay.

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu vấn đề theo quy định thì dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ, nhưng hiện nay hầu hết các nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn bán một cách tràn lan. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế và Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng trên hay không?

ho thi minh
Đại biểu Hồ Thị Minh. (Ảnh: quochoi.vn)

Trả lời, bà Hồng Lan nói người chịu trách nhiệm về chuyên môn dược của cơ sở kinh doanh nói chung và cơ sở bán lẻ nói riêng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động chuyên môn của cơ sở. Quy định hiện hành cũng nghiêm cấm hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc.

Thời gian qua, Sở Y tế các địa phương đã tăng cường giám sát hoạt động của các cơ sở bán lẻ và các hoạt động này ngày càng được giám sát chặt chẽ.

“Tôi rất quan tâm nội dung này. Cách đây mấy ngày tôi có đeo khẩu trang ra hiệu thuốc gần nhà mua một loại thuốc kê đơn là seduxen (một loại thuốc ngủ – PV) thì chị bán hàng nói phải có đơn mới bán được. Tất nhiên có người này người khác nhưng căn bản cần tăng cường quản lý”, bà Lan nói.

Minh Long