Bộ Xây dựng: Khuyến khích người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
- Khánh Vy
- •
Bộ Xây dựng cho rằng không nên quy định người nước ngoài phải có quốc tịch Việt Nam mới được mua, sở hữu nhà ở.
Nội dung này vừa được Bộ Xây dựng – cơ quan chủ trì soạn thảo nêu tại báo cáo gửi Quốc hội giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng với quy định cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Trước đó, thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng với quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Một số ý kiến đề nghị người nước ngoài phải có đầu tư, quốc tịch Việt Nam mới được mua, sở hữu nhà.
Theo Bộ Xây dựng, việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2008.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này kế thừa các quy định của Luật Nhà ở 2014, trong đó quy định điều kiện người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Người nước ngoài cũng phải tuân thủ các quy định về lưu trú, nhập cảnh theo Luật Xuất nhập cảnh và lưu trú, quá cảnh.
Tại Điều 19, dự thảo luật đã quy định rõ các đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có trường hợp đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam.
“Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài sinh sống và đầu tư làm việc tại Việt Nam”, theo Bộ Xây dựng.
Trước ý kiến đề nghị “phải là người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam mới được sở hữu nhà ở”, Bộ Xây dựng giải thích, đây là chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế, do đó không nên thu hẹp phạm vi đối tượng. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng không cần thiết phải quy định người nước ngoài phải mua nhà thông qua tổ chức trung gian vì luật hiện hành cũng như dự thảo đã có các quy định chặt chẽ về điều kiện.
Chẳng hạn, họ chỉ được mua nhà ở trong dự án nhà ở thương mại, dự án phải nằm trong khu vực được phép bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu quá 30% căn hộ trong một tòa nhà hoặc không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong dự án. Người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tối đa 50 năm.
“Các quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị”, Bộ Xây dựng khẳng định.
Do đó, bộ này đề nghị được giữ quy định như tại dự thảo để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, từ 2014 đến nay, khoảng hơn 3.500 tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, phần lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Người nước ngoài mua nhà chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia
Căn hộ người nước ngoài mua sở hữu thời gian qua chủ yếu là chung cư tại các dự án nhà ở thương mại, nên theo Bộ Xây dựng, không ảnh hưởng tới nhu cầu mua nhà của người dân trong nước.
Địa phương có thể phải dành ngân sách nhất định để làm nhà ở xã hội
Liên quan đến nhà ở xã hội, thảo luận tại tổ, một số đại biểu Quốc hội đề xuất xác định tỷ lệ phần trăm tối thiểu, cụ thể của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Cũng có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị phải đóng góp một phần tiền để đầu tư nhà ở xã hội và đề nghị giữ nguyên quy định quỹ đất 20% như hiện hành.
Bộ Xây dựng cho hay mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội, ngân sách khác nhau, nên việc để UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị là phù hợp.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ tiếp thu và bổ sung quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương để đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Tức không quy định tỷ lệ tiền thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Cũng theo bộ này, phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước. Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong quá trình đầu tư kinh doanh đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như tiền sử dụng đất, thuế, phí…
Để có thêm nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, dự thảo luật đưa ra quy định: địa phương dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Do vậy, Bộ Xây dựng cho rằng “việc không quy định thêm trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đóng góp kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp”.
Luật hiện hành quy định chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, nhưng quy định này bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế, theo Bộ Xây dựng.
Cơ quan này dẫn chứng các bất cập như, nhu cầu nhà ở xã hội tại địa phương, đặc điểm vùng miền – địa lý (ven biển, đồi núi, quỹ đất dồi dào…), loại hình dự án (thương mại cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng), có thể ảnh hưởng kiến trúc cảnh quan, thậm chí lãng phí nguồn lực đất đai. Vì thế, việc bỏ quy định này, theo Bộ Xây dựng là phù hợp nhằm tháo gỡ các bất cập đã nêu.
Theo chương trình kỳ họp 5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vào sáng ngày 19/6.
Bộ trưởng “xin khất” trả lời về 162.000ha đất người Trung Quốc sở hữuTrước đó tại một phiên họp Quốc hội vào chiều ngày 11/11/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Nam) cho biết ông có nghe Bộ trưởng nói 2 lần về đất không sạch, đầu tư phát triển sẽ khó. “Tôi hiểu sẽ có đất bẩn, như Chủ tịch Quốc hội cũng vừa nhắc, thế chúng ta kiểm tra, giám sát như thế nào? Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 tôi có chất vấn hiện có 162.000ha do người Trung Quốc sở hữu trên toàn cõi Việt Nam. Trong đó, có 63.000ha là đất biên giới và ven biển, tôi có chất vấn việc này phải làm cho rõ ràng”, đại biểu Kim đặt câu hỏi. Vị đại biểu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ vừa qua báo chí cũng như người dân có thắc mắc về việc người Việt Nam tiếp tục núp bóng mua đất cho người nước ngoài và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. “Vấn đề này chúng ta thấy rằng nó đã vi phạm luật Đất đai, không đúng đối tượng vì mua hộ, mua thay. Bộ Kế hoạch – Đầu tư giám sát kiểm tra như thế nào? Thời gian tới có tham mưu gì Chính phủ để sửa luật Đất đai, luật Đầu tư, chứ như này thì làm sao đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả?”, đại biểu Vũ Trọng Kim chất vấn thêm. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Đầu tư núp bóng, sở hữu đất là vấn đề lớn và thực sự chúng tôi chưa có điều kiện để nắm rõ sát tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao. Với trách nhiệm của Bộ chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để có chính sách quản lý đất đai với các nhà đầu tư núp bóng danh nghĩa cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang thâu tóm, chiếm giữ. Đặc biệt vùng ven biển, sát biên giới. Đây là vùng hết sức nhạy cảm, tôi ghi nhận ý kiến và xin phép báo cáo lại ở Quốc hội sau”. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa bộ Xây dựng người nước ngoài mua đất