Bộ Y tế: Biến thể Omicron có các biến thể phụ né được miễn dịch, gây tái nhiễm
- Minh Sơn
- •
Tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong hàng ngày vẫn cao; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, với các biến thể Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, như biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3, có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm…
Đó là những lý giải do đại diện Bộ Y tế Việt Nam – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đưa ra trong cuộc họp ngày 5/3 về việc chưa thể coi bệnh COVID-19 là “bệnh đặc hữu” hoặc “bệnh lưu hành”.
Ông Tuyên cho hay bệnh lưu hành, tiếng Anh là “endemic diseases”, hay một số chuyên gia còn gọi là “bệnh đặc hữu” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Một số tiêu chí để xác định bệnh lưu hành như: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong khu vực nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục xuất hiện các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới diễn biến phức tạp.
Tại Việt Nam, các chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương; số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây.
Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
Theo đó, Bộ Y tế cho hay hiện tại Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành”, sẽ theo dõi và xác định trạng thái này vào thời điểm thích hợp.
Biến thể Omicron đang chiếm đa số các ca mắc COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai
Báo Sức Khỏe và Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế ngày 6/3 dẫn báo cáo của TP Hà Nội cho biết biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện của TP này; trong đó, biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.
Biến thể BA.2, còn được gọi là “Omicron tàng hình” đang lây lan trên 82 quốc gia. Người mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng. Biến thể phụ BA.2 được xác định là có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết kết quả giải trình tự gene của Viện Pasteur TP.HCM ngày 5/3 cho thấy, cả 10 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 của Đồng Nai gửi lên đều là biến chủng Omicron.
Hồi cuối tháng 2, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết qua kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm RT-PCR từ ngày 10 đến 17/2, 70/92 mẫu bệnh phẩm dương tính COVID-19 là biến chủng Omicron, chiếm 76%. Theo ông Thượng, như vậy, biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế tại TP.HCM, khi biến chủng Delta chỉ khoảng 24%.
Phía cơ quan y tế của Việt Nam khẳng định các sinh phẩm xét nghiệm hiện tại vẫn có khả năng phát hiện dù virus biến đổi sang biến thể Omicron và việc điều trị vẫn theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế .
Bản tin ngày 6/3 của báo Sức Khỏe và Đời Sống dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long nói: “Biến chủng này lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện”.
Ông Long khẳng định do tỷ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao, nhóm người có nguy cơ cao được chăm sóc nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi cả nước giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%). Từ đó, ông Long nhấn mạnh việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu, rằng mũi 3 làm giảm ca nặng, ca tử vong.
Đáng lưu ý, vào ngày 27/2 trước đó, Thủ tướng Chính phủ – ông Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, dù việc này vẫn gây nên các ý kiến trái chiều trong công luận.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho hay: “F0 điều trị tại nhà không nên quá lo lắng hay bận tâm bản thân nhiễm Omicron hay Delta. Nhưng cũng không nên chủ quan cho rằng nhiễm Omicron sẽ nhẹ hơn Delta mà không cần chú trọng điều trị, theo dõi. Dù nhiễm biến thể gì thì cách điều trị, cách ly, theo dõi vẫn cần theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các thầy thuốc, đặc biệt là theo dõi sát các triệu chứng, diễn biến để báo y tế kịp thời”, theo báo Tiền Phong ngày 5/3.
Minh Sơn
Từ khóa Biến thể Omicron bệnh đặc hữu