Theo dự thảo mới nhất, Bộ Y tế vẫn đề xuất COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành và chưa công bố hết dịch.

COVID 19 VINH PHUC
Một gia đình ở phường Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc bị cách ly vì có người nhiễm COVID-19, hồi tháng 4/2022. (Ảnh: baovinhphuc.com.vn)

Bộ Y tế vừa gửi dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng dịch COVID-19, lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.

Theo Bộ Y tế, hiện tỷ lệ tử vong/mắc giảm mạnh, từ 1,03% trong tháng 1/2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5/2022. Gần đây cả nước ghi nhận 1.000 ca/ngày.

Việt Nam đã phủ đủ hai mũi vắc-xin cho gần 80% dân số, trong đó cơ bản phủ đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Nhóm trẻ từ 5 tuổi sẽ hoàn thành tiêm trong tháng 6.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam. Lý do, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, một số nước có xu hướng gia tăng trở lại, virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới.

Nếu xuất hiện biến thể mới sẽ nguy hiểm hơn, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, làm giảm hiệu quả vắc-xin, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Khi đó, việc kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.

Nhân viên y tế thực hiện công tác phòng dịch COVID-19 không được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bệnh sẽ không được hưởng chi trả điều trị COVID-19 miễn phí, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Việt Nam không có cơ chế áp dụng đặc thù đối với vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp…

Ngoài ra, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch trên toàn cầu và tại Việt Nam còn ghi nhận số mắc cao hàng ngày tại hầu hết địa phương. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch theo các khuyến cáo của WHO.

Các tiêu chí kiểm soát COVID-19 được Bộ Y tế nêu ra là tỷ lệ ca nhiễm trong 28 ngày dưới 90 ca/100.000 dân, tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy dưới 4 ca; các địa phương phải đạt độ bao phủ vắc-xin cho 80% dân số, với các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế, riêng tỷ lệ tiêm chủng cho người nguy cơ cao hơn 90%; các địa phương phải đảm bảo khả năng thu dung, điều trị.

Bộ Y tế cũng đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.

Trước đó, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Việt Nam công bố dịch COVID-19 trên cả nước. Như vậy, sau hơn 2 năm, Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch.

Minh Long