Hàng triệu người không muốn tiêm, Bộ Y tế yêu cầu ‘thần tốc’ tiêm hết vắc-xin COVID-19
- Nguyễn Quân
- •
Thứ trưởng Phụ trách Điều hành Bộ Y tế – ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng “chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vắc-xin”, đề nghị cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và toàn bộ hệ thống chính trị phối hợp với ngành y để các tỉnh thành “thần tốc tiêm chủng”, tiêm hết các lô đã phân bổ trước ngày 30/6.
Trước tình hình tiêm vắc-xin COVID-19 chậm tại khu vực phía Nam, ngày 24/6, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vắc-xin COVID-19 với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Cuộc họp do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Phụ trách Điều hành Bộ Y tế chủ trì, với sự tham của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; UBND các tỉnh thành; Sở Y tế Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ tại 20 tỉnh, thành phố phía Nam.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vắc-xin COVID-19 các loại; đã phân bổ 228,8 triệu liều, còn lại hơn 22,2 triệu liều vắc-xin Moderna và Pfizer. Tính đến hết ngày 23/6, tổng cộng trên cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vắc-xin COVID-19 các loại.
Về tỷ lệ các mũi tiêm, viện này cho biết tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; với trẻ em 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%.
Con số này giảm hẳn xuống 64,7% đối với mũi 3. Với mũi 4, chỉ hơn 2,5 triệu liều đã tiêm.
Đối với nhóm trẻ từ 5 tuổi – dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 là 47,1%; một số địa phương đang triển khai mũi 2, tỷ lệ chỉ 10,8%.
“Có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vắc-xin phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo” – đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
Trước tỷ lệ tiêm mũi 3 và 4 chậm dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ vắc-xin COVID-19, đại diện Sở Y tế Đồng Nai, Tây Ninh phân trần lực lượng y tế địa phương đã đi tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi, đã tổ chức các điểm tiêm tại khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… để làm sao tiêm hết vắc-xin đã được phân bổ, không phải rơi vào tình trạng tồn… nhưng tỷ lệ tiêm rất ít.
Có nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động, nhưng sau khi vận động, tổ chức 5-6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy, chỉ có 480 người tiêm mũi 3.
Lý giải nguyên nhân, những người tham gia cuộc họp cho rằng do người dân chủ quan trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo. Ngoài ra, thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại.
Thứ trưởng Phụ trách Điều hành Bộ Y tế – ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng “chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vắc-xin”.
“Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, xác định đối tượng tiêm, tiếp tục ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà’ để tiêm vắc-xin […] Xây dựng kế hoạch tiêm từng tuần, tiêm ở địa phương nào, đơn vị nào, ai chịu trách nhiệm giám sát… Có như thế chúng ta mới tiêm hết vắc-xin và hết đối tượng theo hướng dẫn”, ông Tuyên yêu cầu.
Đối với chính quyền các tỉnh thành, ông Tuyên cho hay địa phương nào không nhận vắc-xin, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phải trực tiếp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Bộ Y tế (để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ) và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch trên địa bàn.
“Bộ Y tế yêu cầu 20 tỉnh, thành phía Nam phải thần tốc tiêm chủng, trước 30/6/2022 phải hoàn thành việc tiêm chủng các lô vắc-xin đã phân bổ. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và toàn bộ hệ thống chính trị đồng hành cùng ngành y tế trong tuyên truyền, vận động, tổ chức tiêm chủng. Một mình ngành y tế khó có thể thực hiện được” – ông Tuyên đề nghị.
Một ngày sau cuộc họp, ngày 25/6, Bộ Y tế ra văn bản số 3333/BYT-DP gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho hay một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ, một số có tiến độ tiêm chậm, dẫn đến nguy cơ cao không sử dụng hết vắc-xin, phải hủy bỏ.
12 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp dưới 50% bị nêu tên, gồm: Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Tại văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành rà soát đối tượng thuộc diện phải tiêm chủng mũi 3, mũi 4 theo từng nhóm đối tượng (người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi); tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao (nếu cần thiết); nhanh chóng tiếp nhận và tiêm vắc-xin COVID-19, ưu tiên sử dụng trước vắc-xin có hạn sử dụng ngắn, tránh để vắc-xin hết hạn sử dụng, phải hủy bỏ, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Các tỉnh thành phải báo cáo kết quả tiêm chủng, số lượng vắc-xin có hạn sử dụng tháng 6/2022 được phân bổ, đã sử dụng, dự kiến sử dụng và dự kiến còn tồn đến hết ngày 30/6, gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực trước ngày 26/6, từ đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực tổng hợp và gửi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 27/6.
Bình Dương xin trả thuốc điều trị COVID-19Ngày 24/6, Sở Y tế Bình Dương cho biết đã xin trả lại thuốc điều trị COVID-19 về kho của Bộ Y tế để Bộ này bảo quản. Các loại thuốc điều trị COVID-19 được Sở Y tế Bình Dương xin trả gồm: Desrem 1.000 lọ, Cipremi RTU H1 100mg/20ml hơn 17.900 lọ, Avigan 35.000 liều, Casirivimab and Imdevimab 150 liều. Sở này cho hay vừa qua đã nhận phân bổ 5 loại thuốc trên và đã phân bổ cho các đơn vị điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong tỉnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Bình Dương được kiểm soát. Số lượng thuốc sử dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19 hàng ngày giảm rất nhiều. Hằng tuần, các cơ sở điều trị COVID-19 không còn sử dụng các loại thuốc kể trên. Do không có nhu cầu phải sử dụng thuốc điều trị COVID-19 và để lâu sẽ hết hạn sử dụng nên Sở Y tế tỉnh Bình Dương xin trả lại để Bộ Y tế quản lý và điều chuyển cho các địa phương khác sử dụng. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Dòng sự kiện Tiêm vắc-xin COVID-19 vắc-xin COVID-19 hết hạn sử dụng tiêm mũi 4 vắc-xin COVID-19 tiêm mũi 3 vắc-xin COVID-19