Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tài chính cho gia đình sinh hai con gái
- Minh Long
- •
Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho gia đình sinh con một bề hai con gái, nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến khích duy trì mức sinh thay thế.
- Khảo sát: Hơn 80% nữ sinh viên Trung Quốc không muốn sinh con
- Cục Dân số đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng khi sinh con thứ 2

Ngày 11/7, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo Luật Dân số, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2025 và Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10/2025.
Dự thảo đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có ưu đãi tài chính bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho gia đình sinh con một bề, có hai con gái, nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Việt Nam đang đối mặt với mức sinh giảm sâu, đạt 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học, so với 2,01 con/phụ nữ năm 2022 và 1,96 con/phụ nữ năm 2023. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 74,7 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 65 năm.
Tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, với 111,4 bé trai/100 bé gái năm 2024, so với 111,5 vào năm 2019 và 110,5 vào năm 2009, vượt xa ngưỡng tự nhiên khoảng 106 bé trai/100 bé gái.
Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (118,5), TP. Hà Nội (118,1), Hưng Yên (116,7), Bắc Giang (116,3), Sơn La (115), Lạng Sơn (114,5) và Phú Thọ (113,6). Trong khi đó, các tỉnh phía Nam duy trì tỷ số gần mức cân bằng tự nhiên, từ 105 đến 108.
Theo Tổng cục Thống kê, nếu tỷ số giới tính khi sinh không được cải thiện, Việt Nam có thể dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, và con số này có thể tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059.
Nguyên nhân chính là tâm lý chuộng con trai, quan niệm truyền thống về nối dõi tông đường, cùng với việc tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế để lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến tình trạng nạo phá thai.
Để giải quyết, dự thảo Luật Dân số đề xuất nhiều chính sách như hỗ trợ tài chính cho phụ nữ mang thai và sinh con khi thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tăng thời gian nghỉ thai sản, ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội, và các hỗ trợ khác phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt hành chính đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi từ 30 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng. Một số địa phương như TP. Hải Phòng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre đã triển khai hỗ trợ tài chính cho gia đình sinh con một bề hai gái trước khi sáp nhập.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định bắt buộc tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho cả nam và nữ để phát hiện sớm các bệnh lý di truyền, đồng thời tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, và điều trị trước sinh và sơ sinh.
Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi, bao gồm cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực chuyên ngành lão khoa thông qua học bổng và miễn học phí.
Ngoài ra, Bộ Y tế nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để xóa bỏ định kiến giới, nâng cao vai trò của phụ nữ, và khuyến khích sinh con theo quy luật tự nhiên.
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, chiếm 21,9%, cũng là một thách thức cần giải quyết. Chất lượng sống ở vùng sâu, vùng xa và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế so với khu vực thành thị và đồng bằng.
Dự thảo Luật Dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh, sức khỏe, bình đẳng, lấy con người làm trung tâm, đồng thời duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính, và thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Từ khóa Luật Dân số mức sinh thay thế Già hóa dân số mất cân bằng giới tính hỗ trợ tài chính sinh con một bề hai con gái
