Bộ Y tế họp khẩn: Nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào trong nước
- Nguyễn Quân
- •
Trước tình trạng số bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang gia tăng và 4 tỉnh thành trong nước đã phát hiện 4 ổ dịch cúm A trên gia cầm, chiều 20/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1.
Đã phát hiện 4 ổ dịch cúm A trên gia cầm tại Việt Nam
Trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã ghi nhận bốn ổ dịch cúm A trên các đàn gia cầm tại các tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An, Nam Định và Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ tháng 10/2016 đến nay, Trung Quốc đã phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, gần một nửa trong số đó đã tử vong. Đáng chú ý, một số tỉnh ghi nhận có ca mắc bệnh như Quảng Tây, Vân Nam… – là các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh vào Việt Nam.
“Tính đến thời điểm này chúng ta chưa ghi nhận ca nào mắc chủng A/H7N9”, PGS Trần Đắc Phu cho biết. Đối với căn bệnh này, PGS Phu cho hay nguồn lây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc với gia cầm, với tỷ lệ tử vong khi mắc là 29%.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) – ông Đàm Xuân Thành cho biết tại Việt Nam chưa ghi nhận dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm. Tuy nhiên, gần đây đã phát hiện nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 trên gia cầm.
Ba ổ dịch cúm A/H5N1 được phát hiện tại Bạc Liêu, Nghệ An và Nam Định. Trong đó, ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện trong ngày 20/2 tại ba hộ thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh (Nam Định) đã tiêu hủy 3.600 con gia cầm.
Cùng thời gian, ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) được phát hiện.
Ngoài ra, tại tỉnh Svayreing (Campuchia) giáp với các tỉnh Long An, Tây Ninh, từ đầu năm 2017 đến nay đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm trên đàn gia cầm.
Virus cúm A/H7N9 và khả năng lây lan vào Việt Nam
“Hiện chưa có bằng chứng chứng minh sự lây truyền từ người sang người đối với chủng cúm A/H7N9”, PGS Phu cho hay. Tuy nhiên, theo PGS Phu, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc, các ngành chức năng cần chủ động phối hợp giữa các bộ ngành trong việc phòng chống dịch, không để dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào trong nước.
“Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh này ở Trung Quốc hiện nay, chúng ta phải chủ động phối hợp giữa các bộ ngành, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt để phòng chống dịch, với mục tiêu không để dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào trong nước”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết
Các Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang… cho biết thời gian qua đã giám sát và tăng cường xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhưng chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm virus A/H5N1, A/H7N9.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – PGS Trần Như Dương cho biết trong tổng 3.540 trường hợp được giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm, ngành y tế phát hiện 154 trường hợp viêm phổi nặng, còn lại là viêm đường hô hấp cấp tính.
“Trong toàn bộ số ca được lấy mẫu và giám sát trên, chúng tôi chỉ phát hiện những ca mắc cúm thông thường, không phát hiện trường hợp nào mắc H7N9 hay H5N8”, PGS Dương cho hay.
Tuy vậy, GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng virus cúm H7N9 hoàn toàn có khả năng lây lan vào Việt Nam.
“Đặc tính virus chưa có sự thay đổi nhưng phức tạp nhất là virus này không có biểu hiện trên đàn gia cầm. Tức là gia cầm hoàn toàn khỏe mạnh nhưng có thể mang virus cúm.
Ngay tại Trung Quốc – nơi dịch đang bùng phát mạnh – cũng chỉ phát hiện 26/160.000 mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A/H7N9.
Do đó, ngành chức năng cần giám sát chặt chẽ và tuyên truyền cho người dân không ăn và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh gia cầm”, GS Long cho hay.
Hiện tỉ lệ tử vong do nhiễm virus cúm A/H7N9 đã giảm xuống gần 30% so với mức gần 50% trước đây, nhưng bệnh diễn biến nhanh và nguy hiểm.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa biện pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Bộ Y tế họp khẩn lây lan dịch cúm cúm gia cầm cúm A H7N9