Bộ Y tế nói gì về virus gây bệnh cúm tại Việt Nam?
- Minh Long
- •
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện không có sự gia tăng đột biến về số ca mắc cúm. Các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
![bo y te noi gi ve virus gay benh cum tai viet nam](https://trithucvn2.net/wp-content/uploads/2025/02/bo-y-te-noi-gi-ve-virus-gay-benh-cum-tai-viet-nam.jpg)
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực bắc bán cầu.
Tại Việt Nam, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.
Các tác nhân chủ yếu là cúm A(H3N2), A(H1N1) và cúm B. “Chưa ghi nhận sự biến đổi nào về độc lực của virus cúm”, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết.
Theo các chuyên gia, thời tiết mùa đông xuân hiện nay với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban…
Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Bộ Y tế lưu ý nhóm nguy cơ cao gồm người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442).
Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số ca mắc cúm nặng. Cũng trong những tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm.
“Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh cúm sớm là vô cùng quan trọng”, ThS.BS Phạm Văn Phúc cho biết thêm.
Để phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tiêm vắc-xin phòng bệnh;
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi), không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Trước đó, năm 2024, Việt Nam ghi nhận 289.214 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong. Số mắc giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2023 (353.108), số tử vong tăng 5 trường hợp.
Năm 2024, ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus.
Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc bệnh cúm cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).
Với bệnh sởi, Bộ Y tế đánh giá số ca mắc hiện có xu hướng giảm so với tháng 12/2024, nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông, xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban… Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. |
Minh Long
Từ khóa Bộ Y tế Dòng sự kiện Recommend cúm mùa cúm A/H3N2 A/H1N1
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)