Bồi thường thiệt hại vụ Formosa: 5.280 tỷ đồng qua 3 đợt tạm cấp
- Nguyễn Quân
- •
Thông tin do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) – ông Vũ Văn Tám cho biết trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung diễn ra vào chiều ngày 24/4.
Ông Vũ Văn Tám cho biết hiện UBND 4 tỉnh đã phân bổ kinh phí được tạm cấp đợt 3 cho cấp huyện và đang tiếp tục thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân.
Tính tới ngày 24/4, tổng số tiền bồi thường tạm cấp qua 3 đợt là 5.280 tỷ đồng. Các tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại với tổng số tiền 4.528,52 tỷ đồng, tương đương 85,76% tổng tiền bồi thường đã cấp.
4 tỉnh đã giải ngân 4.244 tỷ đồng, trong đó Hà Tĩnh giải ngân 1.129 tỷ đồng, Quảng Bình 1.970,7 tỷ đồng, Quảng Trị 460,9 tỷ đồng và Thừa Thiên – Huế 579 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 23/4, lượng hải sản được thu mua từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2016 (không kể sản phẩm sứa, nước mắm, mắm ruốc, hải sản khô, tẩm ướp, hải sản trong tủ lạnh, tủ đông) là 5.369 tấn theo báo cáo ngày 8/11/2016 của Bộ Y tế và là 6.912,43 tấn (tăng lên 1.543,43 tấn) theo báo cáo của 4 đoàn công tác kiểm tra các tỉnh.
Đến nay, 4 tỉnh đã tiêu hủy tổng số 1.103,99 tấn nhưng mới chi trả 50% giá trị lô hàng. Các địa phương đang rà soát hồ sơ đối với lượng hải sản lưu kho còn lại để phê duyệt, chi trả bồi thường theo quy định.
Các hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định – báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết.
Hoàn thành bồi thường trước ngày 30/6, chuyển sang hỗ trợ sinh kế
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng – ông Trương Hòa Bình đưa ra một số kết luận chỉ đạo với một số nội dung đáng chú ý như yêu cầu các tỉnh nhanh chóng chi trả bồi thường thiệt hại, hoàn thành trước ngày 30/6/2017, chuyển sang hỗ trợ sinh kế cho người dân và khôi phục môi trường sinh thái biển.
Đối với số lượng hải sản lưu kho tại các địa phương chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm và vượt so với báo cáo ngày 8/11/2016, cho phép bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Về việc báo cáo có tăng thêm số lượng hỗ trợ, nếu có thiệt hại thật sự sẽ xem xét, nếu phát hiện kê khai gian dối sẽ xử lý nghiêm.
Cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, tẩm ướp, không dùng làm thực phẩm cho người, hiện đang lưu kho tại các xã, phường ven biển, cửa sông.
Tiếp tục quan trắc môi trường, công bố chất lượng nước biển, lấy mẫu giám sát hải sản tầng đáy và giám sát môi trường với hoạt động của công ty Formosa. Giao Bộ Y tế thực hiện kế hoạch lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm hải sản, nhất là hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào tại bờ biển 4 tỉnh.
Ngày 4/4/2017, đoàn công tác của Bộ TN-MT cho biết Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo đánh giá tổng thể, FHS đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao đi vào vận hành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức kết luận. Trước đó, tháng 7/2016, theo báo cáo của Bộ trưởng TN-MT trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Formosa có 53 vi phạm hành chính bị phát hiện. Trong đó, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô (công nghệ giảm thiểu ô nhiễm) sang công nghệ xử lý cốc ướt (phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải). |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Formosa bồi thường số tiền bồi thường của Formosa Bồi thường thiệt hại vụ Formosa Bồi thường thiệt hại biển miền Trung