Cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam nhiều lần nhắn tin, sau đó livestream trực tiếp xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân và xúc phạm uy tín thương hiệu sản phẩm, ngày 17/5/2021, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây đã khởi kiện yêu cầu bà Hằng chấm dứt hành vi và yêu cầu bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần với số tiền 1.000 tỷ đồng.

TAND quận 1, TP.HCM đã thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Lê Thị Giàu và bị đơn Nguyễn Phương Hằng, truyền thông trong nước đưa tin ngày 1/6.

ba le thi giau
Bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây trong một chương trình tài trợ chi phí phẫu thuật mắt miễn phí cho 100 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, tháng 10/2020. (Ảnh: hbtbnn.org.vn)

Bà Nguyễn Phương Hằng và buổi livestream ngày 14/5/2021

Trong đơn khởi kiện, bà Giàu cho biết năm 2017 bà có quan hệ quen biết với bà Hằng khi đến viếng chùa Phước Sơn thiền viện tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Bà Giàu cho rằng bà và bà Hằng không có quan hệ làm ăn, không phải là bạn bè, nhưng thời gian gần đây, bà Hằng thường nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa. Bà Giàu đã lập vi bằng về các tin nhắn này.

Ngày 14/5/2021, bà Hằng livestream trực tiếp nói chuyện về chủ đề: “Bà Nguyễn Phương Hằng công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn) khiến người nghe bất ngờ”.

ba phuong hang bi kien
Video livestream ngày 14/5/2021 của bà Hằng đăng trên Youtube tính đến ngày 2/6 có hơn 1 triệu lượt xem, với nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh chụp màn hình)

Theo bà Giàu, trong buổi livestream này, bà Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của bà khi bịa đặt, vu khống bà “ép bức sư Bửu Chánh – trụ trì chùa Phước Sơn – trả lại tiền và xe cho bà Hằng”, “thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý”, “bà Giàu là “doanh nhân siêu lừa đảo, hung dữ”, “mua tượng Phật và hoa không trả tiền”, “bà Giàu giật tiền của nhiều người 5 – 10 năm không trả”…

Ngoài ra, bà Giàu nhấn mạnh rằng bà Hằng đã xúc phạm uy tín thương hiệu mì Lá bồ đề, dầu Nhị thiên đường do bà Giàu làm chủ, cho rằng đây là “thương hiệu đểu, chứng nhận giả”, trong khi “các nhãn hiệu này do tôi làm chủ đang hoạt động, sản xuất bình thường”.

“Suốt thời gian qua, bà Hằng xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội, phát biểu thiếu chuẩn mực, chửi bới tục tĩu, xúc phạm giới văn nghệ sĩ khiến dư luận xã hội bất bình và lên án mạnh mẽ. Hôm nay, tôi là nạn nhân của bà Hằng, tôi vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước hành vi bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tôi và thương hiệu sản phẩm của tôi” – bà Giàu nêu trong đơn, dẫn theo báo Tuổi Trẻ.

Từ đó, bà Giàu đã khởi kiện lên TAND quận 1, yêu cầu bà Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm đối với bà Giàu, buộc bà Nguyễn Phương Hằng gỡ bỏ nội dung trên YouTube: Vnew24h vào ngày 14/5/2021 của bà Hằng nói về bà Giàu. Mức yêu cầu bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần do bà Giàu đưa ra là 1.000 tỷ đồng.

Từ góc độ pháp lý và xã hội, các luật sư nhận định ra sao về vụ kiện?

Trước thông tin về vụ kiện đòi bồi thường về danh dự cá nhân và thương hiệu sản phẩm do bà Lê Thị Giàu đứng ra khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng, một số luật sư đã đưa ra quan điểm cá nhân.

Luật sư Lê Ngọc Luân cho hay từ góc độ pháp lý, trước hết “bà Giàu đã lựa chọn phương thức ứng xử văn minh đó là nhờ luật pháp can thiệp thay vì dùng mạng xã hội phản công khi thấy mình bị thiệt hại.” Từ góc độ luật pháp, bà Giàu có quyền kiện và tòa có trách nhiệm thụ lý giải quyết.

Nói về số tiền đòi bồi thường thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần được cho là quá lớn – 1.000 tỷ đồng, luật sư Lê Ngọc Luân cho rằng có nhiều khả năng xảy ra.

“Nếu bà Giàu chứng minh được bà Hằng thông tin không đúng về mình (sai sự thật) thì về tinh thần, tối đa bà Giàu chỉ được bồi thường 10 tháng lương cơ bản và xin lỗi (tùy từng trường hợp).

Tuy nhiên, nếu bà Giàu chứng minh được hành vi của bà Hằng là vi phạm luật pháp và việc vi phạm luật pháp này là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại vật chất khác thì con số có thể cao hơn 1.000 tỷ (nếu đủ chứng lý chứng minh).

Ngược lại không chứng minh được việc bà Hằng vi phạm pháp luật và vi phạm đó không phải là nguyên nhân dẫn đến bà Giàu bị thiệt hại thì tòa án sẽ bác” – luật sư Lê Ngọc Luân phân tích chung về sự việc.

“Quyền kiện và yêu cầu thế nào chỉ bà Giàu cùng luật sư (nếu có) mới có thể nhận định chính xác được” – luật sư nhận định, đồng thời nhắc tới khả năng bà Hằng ngoài việc bị kiện vẫn có quyền phản tố (kiện ngược lại bà Giàu).

Đáng lưu ý, luật sư Luân lưu ý đến góc độ tư pháp và xã hội, khi cho rằng vụ kiện này với phán quyết của tòa án sẽ tạo tiền lệ cho việc giải quyết những vụ việc tương tự. “Với điều kiện phán quyết của tòa phải khiến các bên tâm phục khẩu phục, dư luận đồng tình”, đặc biệt là phần đánh giá về tính pháp lý đối với yêu cầu khởi kiện của bà Giàu – ông Luân viết.

“Danh dự lớn hay nhỏ?” – Luật sư Đặng Đình Mạnh đặt câu hỏi trên trang cá nhân.

“Nhỏ thôi, vì ông vua hay thứ dân, kẻ giàu có hay nghèo hèn, người xinh đẹp hay xấu xí, bô lão hay con trẻ… cũng đều sở hữu giá trị danh dự như nhau cả.

Nhưng ở góc độ khác, danh dự lại rất lớn, vì ngay cả có tiền ức, bạc mớ cũng không phải muốn mua mà được.” – ông viết.

Từ góc nhìn đó, ông cho rằng với cách nói đòi bồi thường “1 đồng danh dự”, thì “số tiền hoàn toàn mang tính cách ước lệ, mà cái chính mà họ đạt được là giá trị tinh thần, theo đó, tổn thương về danh dự đã được phục hồi công khai, chính thức và mang tính cưỡng hành”.

Cũng như luật sư đồng nghiệp, luật sư Mạnh cho hay hiện nay, luật pháp quy định chấp nhận khoản yêu cầu bồi thường dân sự về danh dự với mức độ cao nhất là không quá 10 tháng lương cơ bản, tương đương 16 triệu đồng, không có mức ngoại lệ nào khác cao hơn. Theo đó, ông Mạnh cho rằng với khoản yêu cầu đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng, thì chắc chắn dù thắng hay thua kiện, tòa án vẫn bác số tiền lên đến 999.984.000.000 đồng trong yêu cầu của nguyên đơn. Tòa án chỉ quyết định đúng sai, thắng thua để chấp thuận bồi thường hay bác bỏ trong phạm vi số tiền 16 triệu đồng mà thôi.

Từ đó, luật sư cho rằng “khi khởi kiện yêu cầu bồi thường danh dự với số tiền khổng lồ, thì có vẻ như nguyên đơn nhắm đến hiệu ứng truyền thông hơn là tìm sự thắng thua nơi pháp đình”.

Xét từ thực tế quy định, luật sư Lê Văn Luân cũng cho hay số tiền đòi bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, uy tín, hiện không quá 10 tháng lương cơ sở (tương đương 16 triệu đồng). Với ràng buộc về quy định nêu trên, ông cho rằng “vụ việc chỉ đơn giản để tạo sóng truyền thông và là đòn phủ đầu đối với phía bên kia”.

Tuy nhiên, ông đồng quan điểm với đồng nghiệp khi cho rằng việc bà Giàu lựa chọn khởi kiện khi cảm thấy bị xúc phạm về danh dự và bị thiệt hại về vật chất “là lựa chọn văn minh và chuẩn tắc”.

“Cơn lốc” livestream của bà Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng gây sự chú ý đối với dư luận kể từ đầu tháng 3/2021, khi bà và chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (thường gọi là ông Dũng ‘lò vôi’) tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt của họ hơn 200 tỷ đồng thông qua hoạt động cứu trợ người miền Trung trong đợt bão lũ 2020, qua việc xây một cơ sở thờ tự tại Bình Thuận và các hoạt động khác.

Sau đó, bà bắt đầu công kích nhiều nghệ sĩ, người trong giới giải trí (trong đó có nghệ sĩ Hoài Linh, nghệ sĩ Hồng Vân, đạo diễn Hoa Hạ, MC Kỳ Duyên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Vy Oanh…) khi cho rằng những người này có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên mà không chịu lên tiếng tố cáo việc ông Yên lừa bịp chữa trị bệnh.

Các buổi livestream của bà Hằng thường kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, trong đó bà này nhiều lần lên án, công kích, thậm chí chửi rủa nhiều người bằng những lời như: “dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu diếm”; “có đứa nào ngon ra đối chất, đối mặt với em đâu”, “nó đụng là mình phải chạm, có cảm thì mình phải xúc, nó muốn sụp thì mình phải cho nó đổ luôn”… 

Những buổi livestream của bà Hằng trên cả hai nền tảng Facebook, YouTube thường thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi. Như buổi livestream ngày 25/5 đã thu hút 300.000 lượt theo dõi trực tiếp.

Trung tuần tháng 4, bà Hằng bị Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng khi nói rằng ông Võ Hoàng Yên hoạt động chữa bệnh tại tỉnh Bình Thuận là do có sự bao che từ giới chức tỉnh này. Sở TT-TT TP.HCM cho rằng thông tin này là sai sự thật. Các hoạt động livestream của bà Hằng vẫn tiếp tục sau đó.

Ông Lê Tuấn Anh (chồng của nghệ sĩ Hồng Vân) từng đăng bài viết trên trang Facebook cá nhân, nhắc rằng cả nữ doanh nhân và các nghệ sĩ đều phải chịu chế tài pháp luật, và mong phía nữ doanh nhân “dừng cuộc chơi này lại”, khi: “Đừng lấy việc công khai lăng mạ, sỉ nhục người khác như là thú tiêu khiển của mình”.

Cuối tháng 5, Sở TT-TT TP.HCM cho hay nhận được văn bản từ Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM phản ánh việc bà Hằng gần đây liên tục livestream xúc phạm, thóa mạ nhiều nghệ sĩ thuộc hội. Ngày 28/5, Bộ TT-TT ra văn bản đề nghị giới chức các tỉnh xử lý các kênh livestream, nhóm chat có nội dung phản cảm, phạm pháp.

Bà Hằng sáng 29/5 thông báo sẽ dừng livestream tối cùng ngày với lý do “ốm”. Ngày 30/5, hai vợ chồng bà Hằng mở livestream, trong đó ông Dũng “cám ơn Bộ TT-TT đã ra cái văn bản chấn chỉnh mạng xã hội, nói giá như văn bản đó ra sớm hơn thì đã giúp gia đình ông không bị “khủng bố”, sau đó dành nhiều thời lượng kêu gọi mọi người phòng chống dịch bệnh, nếu cần thì hai người “sẽ hiến thêm tài sản chia sẻ gánh nặng ngân sách mua vắc-xin”.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Nghệ sĩ Hoài Linh bị đề nghị thu hồi danh hiệu NSƯT, Bộ Văn hóa nói gì?