Chính phủ Việt Nam đề xuất chi gần 147.000 tỷ đồng làm 729 km cao tốc Bắc – Nam
- Kim Long
- •
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ Việt Nam đề xuất chi 147.000 tỷ đồng làm 729 km cao tốc Bắc Nam trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau.
Ngày 4/1, trình bày tờ trình của Chính phủ về việc đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Theo ông Thể, Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.
Riêng 27 km còn lại gồm đoạn Hòa Liên – Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau 2025.
Về quy mô, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m, toàn bộ các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng tốc độ thiết kế 100 – 120 km/h.
Về hình thức đầu tư, ông Thể cho biết Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy việc đầu tư theo phương thức PPP còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Chính phủ kiến nghị chuyển sang hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.
Cũng theo ông Thể, dự kiến 729 km cao tốc sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 – 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%).
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng), Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và từ nguồn vốn NSNN đã bố trí cho ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 – 2025.
Giai đoạn 2026 – 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng, chiếm 18,6%, gồm chi phí dự phòng và chi phí bảo hành công trình.
Ông Thể cũng cho biết để thực hiện xây dựng 729 km cao tốc, tổng diện tích đất sử dụng khoảng 5,481 ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt.
Trong đó, đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1,532 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1,280 ha, đất dân cư khoảng 502 ha, rừng phòng hộ khoảng 110 ha, rừng sản xuất khoảng 1,436 ha, đất khác khoảng 621 ha.
Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19,097 tỷ đồng.
Dự kiến, giai đoạn chuẩn bị dự án từ năm 2021 – 2022, thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm từ năm 2022 – 2023; khởi công năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.
“Với tiến độ trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026”, ông Thể nói.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa cao tốc Bắc - Nam Bộ GTVT Dòng sự kiện