Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế cho biết 408 cột điện tại tỉnh này bị gãy sau bão “là điều chưa từng xảy ra trong vòng 10 năm qua”, khi các cột điện có mức thiết kế chịu được sức gió trên cấp 12, nhưng đã gãy khi có gió mạnh cấp 7-8.

Vấn đề cần được giải đáp là công nghệ bê tông dự ứng lực hay chất lượng sản xuất cột điện dự ứng lực là nguyên nhân của tình trạng trên?

cot dien gay hue 1
Không chỉ tại Thừa Thiên Huế, 408 cột điện bị đổ gãy, theo một thống kê sơ bộ đưa ra hôm 19/9, Quảng Trị có 53 cột, Đà Nẵng 3 cột và Quảng Bình 2 cột điện bị gãy trong bão. (Ảnh: FB Thừa Thiên – Huế)

Trong 3 ngày, hơn 400 cột điện bị đổ gãy 

Ngày 21/9, Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế đưa ra con số thống kê cho biết sau bão số 5 (bắt đầu đổ vào từ ngày 18/9), 408 cột điện trung, hạ thế tại tỉnh này bị gãy đổ, gây ảnh hưởng tới 312.000 hộ dân, công ty và 2.050 trạm biến áp… Tính riêng cột điện gãy, hư hỏng, ước tính tổn thất lên đến khoảng 12 tỷ đồng.

Đại diện công ty cho biết đến ngày 21/9, sự cố vẫn chưa được hoàn toàn khắc phục, chỉ hơn 85% khách hàng được cấp điện trở lại. Lý do vì có đến 15.000 cây xanh gãy đổ, chưa thể giải tỏa hết nên cũng chưa thể khắc phục được về điện.

Về tình trạng cột điện gãy ngang thân, gãy hàng loạt, truyền thông trong nước ngày 22/9 đăng thông tin phỏng vấn ông Hà Thanh Long, giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế nói rõ hơn về loại cột điện ly tâm dự ứng lực – loại cột điện đang bị một bộ phận dư luận chỉ trích vì không có cốt thép nên mới bị gãy ngang thân hàng loạt.

thua thien hue bao so 5 3
Một cây cột điện đổ gãy trong bão số 5, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 18/9/2020. (Ảnh: FB Thừa Thiên – Huế)

Ông Long cho biết theo đặc tính, cột điện ly tâm dự ứng lực chịu lực tốt, nhưng giòn, khi bị tác động ngoại lực mạnh sẽ đứt gãy lìa. Còn cột điện đúc truyền thống có lõi sắt cỡ lớn nên khi bị tác động của ngoại lực thân cột sẽ cong oằn, ít gãy đứt lìa.

Theo ông Long, cột dự ứng lực được sản xuất, kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố) và TCVN 6284-997 (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành) và có giá thành rẻ hơn từ 5-10% so với loại cột bê tông thông thường. Từ năm 2016, hầu hết tỉnh, thành đều sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nói về các ý kiến phản ánh “cột điện không có lõi thép”, ông Long cho hay cột ly tâm dự ứng lực có lõi thép. Loại cột ly tâm dự ứng lực có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi đúc tại nhà máy. Khi cột gãy, các sợi thép bị tụt vào bên trong khoảng 1 cm nên nhìn bên ngoài không thấy.

Mặc dù đưa ra các lý giải về kỹ thuật, ông Long thừa nhận việc người dân nghi ngờ về chất lượng cột điện là có cơ sở, vì cột điện được thiết kế để chịu đựng sức gió giật trên cấp 12 nhưng lại gãy đổ khi gió mới ở cấp 7-8.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, bão số 5 sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19h ngày 18/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vì sao cột dự ứng lực được lựa chọn thay cho cột bê tông thông thường?

Đưa vấn đề tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, ông N.A, một kỹ sư trong lĩnh vực xây dựng (Hà Nội) cho biết đổ bê tông cốt thép thông thường là rải thép rồi đổ bê tông. Còn đổ bê tông dự ứng lực thì các sợi thép nhỏ bao lớp bên ngoài, được căng đều tới một giới hạn nhất định nào đó, được đổ qua một lớp sika nhỏ để giữ, sau đó thì đổ bê tông.

Dây thép dự ứng lực có tác dụng phân bố đều lực hơn trên bề mặt, tiết kiệm cốt thép, tiết kiệm vật tư và thường áp dụng cho các kết cấu yêu cầu có độ nhẹ. Thường dây dự ứng lực sẽ được phủ phía bên ngoài gần mặt bê tông hơn. Nó là các sợi thép nhỏ phi 6, phi 8, phi 12 tùy vào tính toán tải trọng.

“Mục đích chính là giảm tải trọng và tiết kiệm lượng cốt thép. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác dụng chịu lực giảm theo, thậm chí nó còn tốt tương đương hoặc tốt hơn bê tông cốt thép. Như cột điện thì không dùng bê tông cốt thép làm gì cho nặng từ dưới lên trên. Nhưng trong quá trình thi công, thẩm định bị sai sót, sai phạm gì đó dẫn đến cột bê tông dự ứng lực bị giảm chất lượng.”, ông N.A nói.

cot the du ung luc
Cốt thép dự ứng lực (ảnh trái/truonglocdb.com); tiết diện ngang của một cột điện dự ứng lực bị gãy (ảnh phải/FB)

Nói về tình trạng cột điện bị đổ gãy hàng loạt tại Đà Nẵng, Huế… trong bão số 5, ông N.A cho biết có thể do một số nguyên nhân như trong quá trình làm, việc quản lý chất lượng không tốt dẫn đến dây dự ứng lực căng không đúng tiêu chuẩn, do bị ăn bớt thép, hoặc có vấn đề trong công tác quản lý chất lượng… dẫn đến dây dự ứng lực không đảm bảo đúng tiêu chuẩn. “Với việc gãy hàng loạt như tại Huế thì có thể là một lô sản phẩm đó bị kém chất lượng.”, ông N.A đưa ra nhìn nhận.

Hướng giải pháp của giới lãnh đạo các công ty điện lực: Nghiên cứu lại, tránh vùng có bão

Hôm 20/9, khi các nghi ngờ “cột điện không lõi thép” bị dấy lên trong dư luận, EVN đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây (thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1) trả lời từ góc độ kỹ thuật, nhận định cột bê tông sản xuất theo công nghệ ly tâm dự ứng lực có nhiều ưu điểm và được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực điện lực, viễn thông, chiếu sáng,.. tại nhiều quốc gia.

Ông Hùng cho hay tương tự cột điện bê tông thường, cột điện bê tông ứng lực khi được đưa vào sử dụng phải tuân thủ về thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.

Tuy nhiên, bài phỏng vấn hầu như tập trung vào những ưu điểm về công nghệ. Vấn đề chất lượng sản xuất không được đề cập tới. Tình trạng cột điện dự ứng lực bị gãy gập hàng loạt tại nhiều tỉnh được cho là do những tác động không thể dự báo trong mưa bão, như cây đổ, vật nặng tác động lên cột… Mặc dù vậy, các ảnh hiện trường cho thấy nhiều cột điện bị gãy gập dù đứng độc lập, không bị cây hay vật kéo đổ.

Tương tự, hướng giải pháp do những người đứng đầu các công ty, tổng công ty điện lực đưa ra cũng không đề cập tới vấn đề chất lượng sản xuất, thay vào đó, hoặc từ chối bình luận hoặc chỉ đề cập đến mưa bão như một tác nhân.

Ông Hà Thanh Long, giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế phủ nhận việc chịu trách nhiệm đối với chất lượng cột điện dự ứng lực, cho rằng: “Công ty điện lực cũng chỉ là đơn vị sử dụng chứ không sản xuất cột điện”, theo Zing. Ông Long đề xuất cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học về chất lượng của cột điện bị gãy thì mới chính xác.

VOV dẫn lời của ông Nguyễn Thành, phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung nói việc tính toán lựa chọn cột cũng như kết cấu đường dây đã dựa trên tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam và đã được thẩm duyệt. Việc một số vị trí cột dự ứng lực bị gãy đổ trước bão thì cần được đánh giá lại để cân nhắc xem những khu vực bão lụt có nên tiếp tục sử dụng cột dự ứng lực nữa hay không.

Ông Hà Thanh Long, giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế cho biết EVN vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực; trước mắt dừng sử dụng các loại cột này và tính toán lắp đặt các loại cột đảm bảo khả năng chống chịu bão. EVN cũng đề nghị các ban thuộc tập đoàn nghiên cứu việc sử dụng cột điện phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão, từ đó, đề xuất tiêu chuẩn để các đơn vị thực hiện.

Vĩnh Long

Xem thêm: