Trong hai ổ dịch thủy đậu tại Đắk Lắk, một ổ dịch ghi nhận gần 10 ca, nguy cơ bùng phát cao; một ổ dịch ghi nhận gần 25 ca.

tre mac thuy dau
Một trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: baodaklak.vn)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tỉnh vừa ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu tại huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, tại huyện Lắk, ngày 9/2, em là H.R.E. (SN 1999, trú tại xã Nam Ka) có biểu hiện sốt nhẹ, xuất hiện nốt mụn nước trên mặt, ngực.

Ngày 13/2, em được người nhà đưa đến trạm y tế xã Nam Ka khám. Các bác sĩ nhận định em E. có dấu hiệu mắc thủy đậu và cho thuốc điều trị, hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà.

Hiện có 6 trường hợp khác sống gần nhà bệnh nhân cũng đang có dấu hiệu bệnh tương tự.

Các ca bệnh đa số là học sinh tại Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương (4 ca); Trường Dân tộc nội trú Lắk (1 ca); Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (1 ca).

Giới chức y tế cho biết nguy cơ bùng phát dịch tại các trường học là rất cao.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, bệnh nhân đầu tiên phát hiện mắc bệnh là bé Y.B.E. (SN 2017, trú tại Buôn Tơng Ju, xã Eakao).

Theo người nhà bệnh nhân, bé E. khởi phát bệnh vào ngày 1/2 với triệu chứng sốt nhẹ, nhưng gia đình vẫn cho bé đi học tại trường Mầm non Eakao, xã Eakao.

Đến ngày 6/2, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mụn nước rải rác ở bụng và mặt sau đó lan ra các vùng khác; lúc này gia đình cho bé nghỉ và đi khám tại phòng khám tư, có sử dụng thuốc (không rõ loại).

Hiện đã ghi nhận thêm 22 trường hợp mắc bệnh là học sinh Trường Mầm non Eakao.

Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, lực lượng y tế đã tiến hành giám sát điều tra dịch tễ các ca bệnh; tiến hành phun ChloraminB khử khuẩn và cấp ChloraminB cho các trường học ghi nhận ca bệnh khử khuẩn hàng ngày…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 44 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường Mầm non và Tiểu học.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan do virus Varicella Zoster gây ra.

Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm và có thể bùng phát thành dịch lớn, nhưng thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm và gặp nhiều ở trẻ em dưới 13 tuổi; ở vùng nhiệt đới bệnh có khuynh hướng xảy ra ở người lớn nhiều hơn. Khả năng miễn dịch của bệnh là vĩnh viễn, tuy nhiên có một số trường hợp bị nhiễm lần 2, gặp ở người có tổn thương hệ miễn dịch hay những người đã chủng ngừa thủy đậu. Khi mắc bệnh lần 2 thường nhẹ hơn lần 1 và thường dưới dạng Zona hay còn gọi là dời leo.

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cho biết bệnh thủy đậu chủ yếu lây bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh và lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc với bóng nước.

Thời gian ủ bệnh là 14-15 ngày. Bệnh khởi phát bằng những biểu hiện như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu; triệu chứng quan trọng và để nhận biết bệnh thủy đậu là phát ban dạng nước ở da và niêm mạc, bóng nước dần xuất hiện theo trình tự thân mình, mặt, tay chân, miên mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa; bóng nước ban đầu chứa dịch trong sau 24 giờ thì hóa đục, bóng nước mọc nhiều đợt khác nhau nên có thể thấy nhiều dạng bóng nước trên một vùng da như: dạng phát ban, bóng nước trong, bóng nước đục, bóng nước đóng mày. Sau khoảng 1 tuần, hầu hết các bóng nước đóng mày và phục hồi không để lại sẹo. Chỉ có bóng nước bị bội nhiễm mới để lại sẹo.

Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng trầm trọng như viêm phổi, viêm gan, viêm não, nhiễm trùng huyết… dễ dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh, nhưng siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt, nhiều năm sau đó khi có điều kiện như sức đề kháng cơ thể kém thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây nên bệnh cảnh zona.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ sẽ gây sẩy thai, hay sinh ra trẻ bị dị tật bẩm sinh như đầu nhỏ, bại não, sẹo bẩm sinh…

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, TS Minh khuyến cáo:

  • Tiêm ngừa vắc xin đủ liều và đúng lịch. Đối với trẻ từ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc-xin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc-xin này;
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan;
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường;
  • Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Hoàng Minh