Gần 3.500 túi thuốc trị sốc sốt xuất huyết phải tiêu hủy, trong khi nhiều BV còn thiếu
- Minh Long
- •
Hiện nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử điều trị sốc sốt xuất huyết, trong khi đó có tình trạng gần 3.500 túi thuốc trong kho đã hết hạn sử dụng, chờ hủy.
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, một số bệnh viện và các Sở Y tế đã gửi công văn về Cục Quản lý dược báo cáo khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử để điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế, dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue là Dextran 40 hoặc Dextran 70, hydroxyethyl starch (HES) 200.000 dalton.
Các đơn vị liên quan của Bộ Y tế xác định các thuốc này đều rất ít nguồn cung do nhu cầu sử dụng ít. Hiện tại chưa có công ty nào có Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực đối với các thuốc trên.
Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về cung ứng thuốc này. Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, số lượng thuốc thực tế mà cơ sở đã nhập là 9.000 túi (trên tổng số 50.000 túi được cấp phép vào Việt Nam).
Tuy nhiên, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh dự trù thuốc với số lượng lớn nhưng số lượng ký hợp đồng và số lượng đặt hàng thực tế thấp hơn rất nhiều, thậm chí là không lấy hàng theo kế hoạch.
“Đây là lý do dẫn đến số lượng thuốc còn tồn tại kho của công ty nhập khẩu là 3.476 túi thuốc”, Bộ Y tế cho hay.
Toàn bộ số lượng thuốc tồn kho này đã hết hạn sử dụng và phải chờ huỷ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị nhập khẩu.
Hiện đơn vị cung ứng thuốc tiếp tục nhận được các đơn đặt hàng thuốc Dextran 40 từ các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng lo ngại đối mặt với tình trạng trên nên chưa có kế hoạch nhập khẩu tiếp.
Trên thực tế, mặt hàng này không sẵn nguồn nguyên liệu nên cần đặt hàng với nhà sản xuất trước ít nhất 6-9 tháng. Hàng có tuổi thọ 18 tháng, các bệnh viện chỉ nhận hàng còn hạn dùng trên 3 tháng.
Việc đấu thầu, mua sắm tại bệnh viện diễn ra từ 5-6 tháng dẫn đến tình trạng thuốc đã được nhập về kho của đơn vị cung ứng thuốc, nhưng phải đợi bệnh viện làm thủ tục đấu thầu mới ký được hợp đồng.
Do đó, hạn dùng của thuốc giảm xuống còn khoảng 10 tháng. Điều này gây khó khăn cho đơn vị cung ứng thuốc vì từ lúc đặt hàng nhà sản xuất đến khi hàng về đến Việt Nam, hạn dùng còn nhiều nhất là khoảng 15-16 tháng.
Liên quan đến số ca mắc sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tính đến ngày 18/7, 28 tỉnh/thành phố toàn miền Bắc có 1.433 ca mắc. Số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng nhanh từ tháng 5/2022.
Viện Pasteur Nha Trang cho biết tính đến ngày 20/7, khu vực 11 tỉnh miền Trung ghi nhận 17.340 ca mắc (Đà Nẵng là 4.021 ca mắc, Quảng Nam là 3.456 ca mắc, Bình Thuận là 2.924 ca mắc, Phú Yên là 1.584 ca mắc…) và 1 ca tử vong tại Bình Thuận. 11 tỉnh trong khu vực đều tăng cao từ tuần 18.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tại khu vực Tây Nguyên, tính đến tuần 29, khu vực có 4.378 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (1 ca tử vong), tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Gia Lai và Đắk Lắk chiếm 80% số ca bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur TP.HCM, tính đến tuần 28, khu vực phía Nam có 113.449 ca mắc, 64 ca tử vong.
Hiện cả nước hiện có hơn 136.600 ca mắc sốt xuất huyết.
Từ khóa sốt xuất huyết Bộ Y tế