Đắk Nông: Sụt lún gần hồ bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ khiến người dân lo lắng
- Trần Tâm
- •
Nhiều tháng trở lại đây, một số hộ dân sống tại xã Nhân Đạo (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) lo lắng và bất an trước tình trạng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tiếp giáp với khu vực bờ kè mương thoát nước hồ bùn đỏ thuộc Nhà máy Alumin Nhân Cơ sụt lún, xuất hiện nhiều đường nứt với chiều dài khoảng 100 m, rộng 30-40 cm và sâu khoảng 50-70 cm.
Ngày 8/11, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết sau khi nhận được thông tin về việc đất sản xuất nông nghiệp gần hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp) bị sụt lún, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả.
Ông Đàm Quang Trung – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho hay đoàn kiểm tra của Sở đang kiểm tra, đo đạc, hiện vẫn chưa có kết quả, chưa xác định được nguyên nhân gây sụt lún.
Trước đó, theo phản ánh của người dân tại thôn 1 (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp), việc sụt lún đất sản xuất xảy ra từ thời điểm cuối tháng 7/2017 làm ảnh hưởng đến 3 hộ dân sinh sống và làm rẫy sát với hồ bùn đỏ của công ty. Trong đó, hộ ông Trần Có bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 5.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp nằm trong vùng sụt lún.
Theo ông Có, thời điểm ban đầu ông phát hiện có 1 đường nứt cắt ngang thửa đất với chiều dài hơn 100 m. Sau khoảng một tháng, đường nứt trên ngày một mở rộng và cùng lúc xuất hiện thêm nhiều đường nứt khác với chiều rộng khoảng 30-40 cm, độ sâu khoảng 50 -70 cm.
Đặc biệt, các đường nứt liên tục phát triển, đến nay, có khoảng 10 đường nứt với chiều dài hơn 100 m. Phần lớn các đường nứt gây sụt lún xảy ra trên khu vực mà gia đình ông trồng nhiều chanh dây và cà phê.
Ông Có cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt lún là do tác động từ việc xây dựng hồ bùn đỏ của nhà máy Alumin Nhân Cơ làm thay đổi tầng đất nên khi thời tiết mưa nhiều dẫn đến việc đất bị sụt lún, chứ những năm trước dù mưa lớn tới mấy vẫn không có xuất hiện tình trạng này”.
Lo lắng về tình trạng sụt lún, ngày 4/8/2017, ông Có cùng hai hộ dân khác viết đơn kiến nghị gửi đến lãnh đạo UBND xã Nhân Đạo cùng công ty để mong sớm có biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Tạo – Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo cho biết xã đã tổ chức cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo công ty, người dân và đại diện các ngành chức năng trong huyện. Tại buổi họp, đại diện công ty hứa sẽ khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Ngô Tố Ninh – Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông (chủ đầu tư của Nhà máy Alunmin Nhân Cơ), việc đất bị sụt lún ở các hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp nằm sát hồ bùn đỏ là do thời tiết mưa nhiều dẫn đến hiện tượng thẩm thấu chứ không phải do tác động từ hồ bùn đỏ.
Về khắc phục tình trạng trên, ông Ninh cho biết trước mắt dùng bạt để che chắn nhằm hạn chế nước thẩm thấu. Về lâu dài công ty sẽ báo cáo với tập đoàn thương lượng để thu hồi phần đất của người dân nằm giáp với hồ bùn đỏ nhằm tạo hành lang quanh bờ hồ. Ngoài ra, công ty thuê đơn vị tư vấn để khảo sát và lên phương án khắc phục, xử lý đối với khu vực gây sụt lún, đồng thời xem xét đền bù cây trồng bị thiệt hại theo thực tế của người dân.
Trước đó, ngày 23/7/2016, Nhà máy alumin Nhân Cơ xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn kiềm khiến gần 10 m3 kiềm (theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông) chảy tràn ra suối Đắk Yao, một phần ngấm xuống đất.
PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản (Hội Địa chất Việt Nam) đã đưa ra cảnh báo nếu không cẩn trọng trong khai thác bô xít ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho rằng sau này sẽ còn tiếp tục xảy ra sự cố trên diện rộng, phức tạp hơn do các tổ hợp nhà máy bô xít Tây Nguyên đều sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.
Sáng 28/6/2017, Sở TN&MT tỉnh nhận được tin báo của UBND xã Nhân Cơ về việc một số hộ dân thôn 11, xã Nhân Cơ phản ánh có bột màu trắng từ Nhà máy chế biến Alumin Nhân Cơ phát tán và bám trên cây trồng của người dân. Kết quả kiểm tra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ cho thấy bột trắng phát tán là Alumin.
Theo Sở TN&MT, điều này chứng tỏ quy trình sản xuất hoạt động, đặc biệt tại giai đoạn nung của nhà máy chưa được hoàn thiện. “Việc để phát tán Al2O3 ra môi trường không khí không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm gia tăng nồng độ bụi, là một trong những tác nhân có thể gây ô nhiễm môi trường không khí trong khu vực” – báo cáo của Sở TN&MT nhận định.
Do đó, Sở TN&MT tỉnh yêu cầu công ty phải thực hiện thu hồi lượng alumin tồn đọng tại bể chứa hở khu vực nung hydrat; che chắn kín khu vực nung hydrat, khu vực đóng bao sản phẩm alumin đảm bảo bột sản phẩm không phát tán ra môi trường.
Theo ước tính của người dân, khoảng 20 ha cây trồng và hàng chục nhà dân, cách khu vực nhà máy hơn 1 km trở lại đều bị bám dính thứ bột trắng này.
Dự án alumin Nhân Cơ được phê duyệt tại Quyết định số 167 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 1/11/2007, do Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc TKV) làm chủ đầu tư, Tập đoàn TKV chi phối, Công ty Chalieco (Trung Quốc) làm nhà thầu xây dựng. Dự án được khởi công năm 2010, với mục tiêu khai thác chế biến quặng bô xít. Trong quá trình triển khai, dự án liên tục điều chỉnh tăng vốn. Quyết định 167 năm 2007 phê duyệt tổng vốn đầu tư cho dự án là 3.285 tỷ đồng. Qua hai lần điều chỉnh, Quyết định 193 năm 2014 đã nâng tổng mức đầu tư lên 16.821 tỷ đồng (tăng gấp năm lần so với ban đầu). Công suất nhà máy 1,65 triệu tấn alumin/năm, thời gian thực hiện từ 2007 – 2014. Dự án đi vào vận hành thương mại trong quý 1/2017, chậm 6 năm so với phê duyệt ban đầu. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Nhà máy Alumin Nhân Cơ sụt lún gần hồ bùn đỏ nhà máy alumin Nhân Cơ