ĐBQH: Rừng tăng từ 9 triệu lên 14 triệu ha là ‘rất vô lý và có điều gì đó sai sai’
- Minh Long
- •
Đại biểu Ksor H’ Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng diện tích rừng tăng từ 9 triệu lên 14 triệu ha mà Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cung cấp là con số đáng mừng, nhưng con số này “rất vô lý và có điều gì đó sai sai”.
Trong bối cảnh công luận và các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang mất đi nhiều diện tích rừng do bị chặt phá trái phép và làm thuỷ điện, Bộ trưởng Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Xuân Cường lại cho rằng diện tích rừng tại Việt Nam đang tăng chứ không giảm.
“Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Sau 30 năm, diện tích rừng tăng 14,6 triệu ha, hệ số che phủ đã đạt gần 42%, trong khi hệ số che phủ bình quân của thế giới ở mức gần 29%. Đây là một cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị”, ông Cường nói trước Nghị trường Quốc hội hôm 3/11.
Ông Cường còn nói thêm “trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi Mỹ đã thả 77 triệu lít thuốc hóa học để hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước”.
Những phát ngôn trên của ông Cường gây nhiều tranh luận.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp cần “trung thực hơn” và nên nói “mất rừng” là do “quản lý bất cập từ Trung ương đến địa phương”.
Theo bà Mai, đợt thiên tai lũ lụt vừa qua ở miền Trung, trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là “con người đang phá huỷ môi trường và cái giá phải trả quá đắt”. Bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần làm rõ thêm trong con số từ 14-15 triệu ha rừng, có bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng?
“Bởi vai trò của 2 loại rừng này khác nhau, không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia cực kỳ rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên. Vai trò chức năng, năng lực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng rồi tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên rất là khác với rừng trồng. Rừng trồng được phép khai thác, 3 đến 5 năm là chặt đi, trồng mới thì nó khác. Ngay chỗ này, tôi đề nghị là mình không thể nói chung chung để mình so sánh đơn giản thế được”, ông Nghĩa lý giải.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 14,6 triệu ha rừng hiện nay, rừng tự nhiên có 10,3 triệu ha. Như vậy, so với cách đây 30 năm, rừng tự nhiên tăng được 1,3 triệu ha.
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận chất lượng rừng tự nhiên thấp.
“Trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng; 50% là rừng trung bình; còn 35% còn lại là rừng nghèo kiệt”, ông Cường nói.
Diện tích rừng tăng là rất vô lý và sai sai
Tranh luận, Đại biểu Ksor H’ Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng diện tích rừng tăng từ 9 triệu lên 14 triệu ha mà ông Cường cung cấp là con số đáng mừng, nhưng con số này “rất vô lý và có điều gì đó sai sai”.
Nữ đại biểu Gia Lai cho hay mỗi một kỳ họp chúng ta liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.
“Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói”, nữ đại biểu Gia Lai nhận định.
Về thông tin “hệ số che phủ tăng”, bà Ksor H’ Bơ Khăp phản biện: “Cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỷ lệ cây phủ rừng. Nhưng rừng là nơi cây xanh hấp thụ CO2 để thải ra O2, song cây cao su là loại cây ngược lại, hút O2 và thải ra CO2, do vậy không có một con gì có thể sống được trong rừng cây cao su. Mà cây cao su không chỉ là cây trồng ở các dự án ở Tây Nguyên mà còn ở Tây Bắc”.
“Tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh thế nào?”, bà Ksor H’ Bơ Khăp nói.
Minh Long
Từ khóa Gia Lai phá rừng Đại biểu Ksor H' Bơ Khăp