Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên đang trong thời gian công tác.

bo truong bo gd dt can dua day them hoc them vao kinh doanh co dieu kien
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 8/10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với Dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8 sắp tới.

Đây là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 37 (tháng 9/2024) với nhiều băn khoăn, trong đó có quy định về các chính sách đối với nhà giáo.

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các ủy ban Quốc hội với dự án luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay về chính sách đối với nhà giáo, dự thảo luật đã rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới.

Đồng thời, với những chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau như tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, người đứng đầu các cơ sở giáo dục… đã được đưa ra khỏi dự thảo.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới phiên họp với các chính sách về tiền lương, phụ cấp cũng như chính sách hỗ trợ cho nhà giáo được đề xuất trong dự thảo sẽ làm tăng chi phí ngân sách.

Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại dự thảo nghị định thì bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học. Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).

Nếu chính sách này được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.

Ngoài ra, với quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, báo cáo của Chính phủ cho hay, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 22 tỷ đồng/tháng, tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.

Với chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học, căn cứ độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, Chính phủ cho biết, hàng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỷ đồng.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo từ mầm non đến đại học là nhân văn, song ông cho rằng quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Chính vì vậy, cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể.

Ông Định nói không nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định “đặc quyền, đặc lợi” là không nên.

Còn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần hơn 9.200 tỷ đồng/năm để miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên là tương đối lớn.

“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm? Cần phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác”, ông Mẫn nói.

Minh Long