Đề xuất xử lý cán bộ nghỉ hưu có sai phạm khi còn công tác
- Hoàng Minh
- •
Sau 8 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và 6 năm thực hiện Luật Viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng một số quy định tại hai luật này có những bất cập, cần sửa đổi.
Bộ Nội vụ cho biết ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (CBCC); ngày 5/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện Luật CBCC và hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 khóa XII thì một số quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức có những bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo đó, đối với luật CBCC, Bộ đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng theo hướng Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho bộ, ngành địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 1, Điều 34 về phân loại công chức, Bộ đề xuất sẽ không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có 4 loại (A,B,C,D) như trước đây mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.
Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 44, Điều 45 và Điều 46 về ngạch và nâng ngạch công chức theo hướng quy định 2 phương thức thi hoặc xét nâng ngạch; bổ sung quy định công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn, đồng thời được bố trí vào vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức mới được bổ nhiệm để gắn công tác thi hoặc xét nâng ngạch công chức với công tác bố trí sử dụng.
Đặc biệt, bổ sung Khoản 5 vào Điều 78 và sửa đổi Điều 79 quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý những người có sai phạm.
Đối với luật Viên chức, Bộ đề xuất bổ sung Khoản 5 vào Điều 52 quy định kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm tương thích với kỷ luật đảng.
Liên quan đến quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng này, theo đó chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Do đó, ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án xin ý kiến Chính phủ:
Phương án 1: Quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Phương án 2: Quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bộ Nội vụ Luật cán bộ công chức Luật Viên chức