Địa phương có thẩm quyền công bố ca nhiễm virus Vũ Hán mới hay không?
- Nguyễn Quân
- •
Tối 13/3, Bộ Y tế xác nhận một nữ tiếp viên hàng không tại Hà Nội là bệnh nhân thứ 46 tại Việt Nam mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Tuy nhiên, trước đó, TP Hà Nội nhận định cần xác định là trường hợp dương tính để kịp phản ứng, không bỏ lỡ thời giờ.
Theo thông báo của Bộ Y tế tối ngày 13/3, một nữ tiếp viên hàng không của hãng hàng không Vietnam Airlines được xác nhận là bệnh nhân thứ 46 tại Việt Nam mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Tuy nhiên, trước đó, ngày 12/3, khi có kết quả xét nghiệm, Vietnam Airlines đã khoanh vùng, báo cáo với nhà chức trách danh sách các phi công, tiếp viên, nhân viên và hành khách liên quan để có phương án xử lý kịp thời. Khu vực làm việc của Đoàn tiếp viên tại miền Bắc được tiến hành khử trùng ngay sau đó.
Tính đến 22h ngày 12/3, Trung tâm dịch tễ của TP xác định được 22 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này, gồm chồng, mẹ và con gái, 1 lái xe của đoàn tiếp viên, 13 tiếp viên ở 9 quận huyện khác, 1 người ở TP.HCM, 4 lái xe grab, taxi. Ngoài ra, chuyến bay mà nữ bệnh nhân làm việc gần nhất có 195 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn, mới xác định được 94 hành khách.
Chồng của nữ tiếp viên hàng không đã được cách ly tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông; còn mẹ và con của chị D. được cách ly tại nhà.
Sáng ngày 13/3, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP xác định là đây ca dương tính dù chưa có công bố chính thức để thực hiện phong tỏa, rà soát.
Khoảng 12h30, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đã tiến hành phun khử khuẩn, phong tỏa, dựng rào chắn cách nhà bệnh nhân khoảng 20m. 4 hộ gia đình gồm 16 người bên trong khu vực phong tỏa cũng thực hiện cách ly tại nhà.
Đáng lưu ý, ca bệnh của nữ tiếp viên Vietnam Airlines ghi nhận thêm nguồn lây nhiễm mới tại Hà Nội và trên cả nước. Tính đến 19h ngày 13/3, các ca mắc viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam từ 4 nguồn chủ yếu, gồm:
- Từ hành khách trên chuyến bay VN0054 London-Hà Nội ngày 2/3
- Từ nữ bệnh nhân tại Bình Thuận đi qua nhiều nước (bệnh nhân 34)
- Một nữ bệnh nhân nhiễm từ châu Âu, sau đó gia đình thuê máy bay riêng đưa từ châu Âu về (bệnh nhân 32)
- Từ nữ tiếp viên hàng không trên chuyến bay VN0054 London-Hà Nội ngày 9/3 (bệnh nhân 46)
Mặc dù vậy, tình trạng ca bệnh chưa được xác nhận chính thức tiếp tục đặt ra vấn đề về thẩm quyền công bố ca nhiễm bệnh.
Địa phương đề nghị được công bố ca bệnh viêm phổi Vũ Hán
Ngày 11/3, UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cho phép Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) được công bố khẳng định mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với COVID-19, điều này giúp Đà Nẵng chủ động triển khai các biện pháp cách ly, can thiệp y tế kịp thời ngăn ngừa lây nhiễm dịch.
Theo quy trình hiện tại, Bộ Y tế đã cho phép CDC Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Tuy nhiên, khi phát hiện trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ, CDC Đà Nẵng phải chuyển ngay mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm khẳng định.
Theo CDC Đà Nẵng, 4 mẫu kết quả dương tính (Đà Nẵng 3 trường hợp, Quảng Nam 1 trường hợp) do trung tâm thực hiện từ ngày 6-12/3, khi chuyển đến Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm khẳng định đều cho kết quả trùng khớp với kết quả xét nghiệm của CDC Đà Nẵng.
Tương tự, tại Hà Nội có Trung tâm phòng chống bệnh tật, nhưng kết quả xét nghiệm phải được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm tái khẳng định.
Thẩm quyền công bố trường hợp nhiễm bệnh mới là của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Vì thẩm quyền công bố ca dương tính là của Ban chỉ đạo quốc gia, nên chính quyền TP, quận… phải đợi, không thể có thông báo rõ ràng.
Điều này gây nên khoảng trống thông tin, rối loạn thông tin trong khi các cơ quan, đơn vị cơ sở đã có thông báo về việc khử khuẩn, tiến hành thu thập thông tin, rà soát người tiếp xúc.
Tình trạng này đã xảy ra trước đó đối với trường hợp bệnh nhân 39, tên B.C.P, là một nam hướng dẫn viên du lịch, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dù sáng 12/3, Bộ Y tế mới công bố chính thức thông tin ca bệnh, nhưng từ ngày 10/3, các địa phương có người tiếp xúc với anh P. đã được cảnh báo về tình trạng sức khỏe của anh P., sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1.
Điều này gây rối loạn thông tin, hoang mang dư luận khi việc khử khuẩn và đưa đi cách ly tập trung một người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân được thực hiện, song lại chưa thấy “Bộ Y tế công bố”. Việc rối loạn thông tin gây nguy hại khi thông tin thật bị nghi ngờ thành thông tin giả, thông tin giả lại được lan truyền, gây hỗn loạn giả tạo và chủ quan giả tạo.
Tại cuộc họp sáng 13/3, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết “Dù ca bệnh này [bệnh nhân 46] chưa công bố chính thức, quan điểm của TP là khi dịch tễ Hà Nội đã xác định dương tính thì coi như dương tính để kịp thời hành động, không chờ công bố”, cần rút kinh nghiệm từ “bài học ở Bình Thuận”.
Số trường hợp lây nhiễm từ ca bệnh tại Bình Thuận – bệnh nhân 34 – hiện đã tăng lên 9 người, nhiều nhất trong số các ca bệnh ở Việt Nam tính đến hiện tại (trường hợp bệnh nhân N.T.D ở Vĩnh Phúc lây nhiễm cho 6 người). Điều này càng đáng lưu ý hơn khi bệnh nhân 46 tại Hà Nội ghi nhận thêm một nguồn lây nhiễm mới, với số người tiếp xúc bao gồm cả số hành khách trên chuyến bay, hiện đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội bệnh nhân 46 thẩm quyền công bố ca bệnh