Dời ga Hà Nội khỏi khu vực nội thành: Nhiều ý kiến không đồng thuận
- Hoàng Minh
- •
Đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố của Công an TP. Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận. Đây không phải là lần đầu tiên việc di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô được đưa ra.
Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 7 tháng đầu năm 2017 được UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 8/8, ông Phạm Xuân Bình – Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đề xuất việc “Di dời nhà ga Hà Nội ra khỏi khu vực nội thành”.
Theo ông Bình, Hà Nội hiện có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt, cùng với đó, Ga Hà Nội cũng là nơi tập trung đáng kể các chuyến đi và đến của người dân – điều này đang gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông và là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Bình cho biết thêm hiện trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn có đường sắt liên tỉnh trong nội thành. Ông Bình cho rằng hệ thống đường sắt này vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Về vị trí di dời, ông Bình gợi ý có thể chuyển sang phía bên kia sông Hồng hoặc khu vực huyện Thường Tín thì sẽ giảm được tai nạn trong khu vực nội đô, tránh gây xung đột giao thông khi tàu đi qua, đồng thời giãn mật độ người dân di chuyển từ ngoại thành vào trung tâm thành phố.
Trước đề xuất trên, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam không đồng ý. Ông Minh cho rằng đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, đa số các ga đều nằm trong nội thành để thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ đường sắt quốc gia, mà đường sắt đô thị đều nằm trong nội đô, để tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại.
Về việc đường sắt bị cho là gây ùn tắc giao thông, ông Minh cho hay có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao để hạn chế các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, giảm ách tắc giao thông. Ông Minh lấy dẫn chứng, tại các nước Châu Âu như Áo, Đức, việc giao cắt xung đột đồng mức giữa đường sắt và đường bộ cũng rất phổ biến. Riêng ở Áo, đường sắt đô thị có đoạn còn đi trên mặt đường song song với đường bộ.
Về vị trí di dời, ông Minh phân tích, nếu đường sắt không ở trung tâm mà di chuyển ra bên ngoài sông Hồng hay khu vực huyện Thường Tín (Hà Nội), thì lượng phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành và ngược lại còn làm tăng nhu cầu đi lại lên rất nhiều chứ không giảm như đề xuất của ông Bình.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho biết lý do quan trọng khiến ông không đồng ý di dời do nhà ga Hà Nội nằm trong quy hoạch của thành phố cũng như quy hoạch quốc gia, theo phê duyệt quy hoạch của Chính phủ năm 2016, đến năm 2020, ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm.
Cùng chung ý kiến với ông Minh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong quy hoạch đường sắt được Thủ tướng phê duyệt, đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là Hà Nội. Bên cạnh đó, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) và tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) đều kết nối với đường sắt quốc gia, có điểm giao cắt trung chuyển tại ga Hà Nội.
Ông Đông cũng cho hay các nước phát triển như Nhật, Pháp, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, cao tốc đều nằm trong nội đô Tokyo, Paris, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi di chuyển và đi lại. Một số nước quy hoạch đường sắt nằm ngoài vành đai kết nối vào bên trong. Nhưng ở Hà Nội, hiện trạng có sẵn là ga Hà Nội nằm trong trung tâm thành phố, và quy hoạch vẫn giữ nguyên; ông Đông cho rằng giải pháp để giảm ùn tắc là giảm các điểm giao cắt, làm thêm các tuyến đường sắt đô thị trên cao.
Được biết đây không phải lần đầu tiên việc di dời ga Hà Nội khỏi khu vực nội thành được đặt ra. Trước đó, ngày 15/4/2015, trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội, công an thành phố cho rằng lực lượng công an đã rất vất vả trong việc điều tiết giao thông mỗi khi tàu chạy qua và có đề xuất di dời ga Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khi đó đã không đồng ý với đề xuất này. Ông Thành cho rằng chưa từng thấy nước nào trên thế giới dời ga đường sắt khỏi trung tâm thành phố vì ga đường sắt chính là đầu mối kết nối các phương thức vận tải, trong đó có vận tải đô thị. Hơn nữa, ông Thành cho hay ga đường sắt là câu chuyện lớn nằm trong quy hoạch của Chính phủ và việc di dời hay không là do Chính phủ quyết định.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa giao thông ùn tắc tàu hỏa ga Hà Nội