Đói nghèo và việc làm là những lo lắng hàng đầu của người Việt
- Nguyễn Quân
- •
22,39% tổng số người được lựa chọn ngẫu nhiên tham gia khảo sát PAPI trả lời rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm 2024 trước thực trạng nghèo đói, 12,79% quan tâm đến vấn đề việc làm.
- Người Việt thờ ơ với chính trị hay là bị mắc kẹt ở nghèo đói và tham nhũng?
- Từ chức Phó Chủ tịch tới Bí thư tỉnh Lào Cai với món ‘quà Tết’ 5 tỷ đồng
Người dân “bi quan”
Ngày 2/4, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023).
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
“Đói nghèo và việc làm vẫn là những vấn đề người dân quan ngại nhất theo kết quả khảo sát PAPI năm 2023″ – bà Deirdre Ní Fhallúin, Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam cho hay.
Với 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI 2023, 22,39% tổng số người trả lời cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tới đối với vấn đề nghèo đói; 12,79% người quan tâm đến vấn đề việc làm và 9,2% người quan ngại về tăng trưởng kinh tế.
So với năm 2022, tỷ lệ người dân quan ngại về việc làm tăng mạnh nhất (tăng 2,7%), kế đến là quan ngại về thu nhập (tăng 1,3%).
Có tới 26% người trả lời cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ hiện nay kém hơn so với 5 năm trước (năm 2017). Đây là tỷ lệ “bi quan” cao nhất từ năm 2011 đến nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán – COVID-19).
54,4% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt”, thấp hơn gần 12% so với năm 2022. Hơn 70% số người trả lời cho biết hộ gia đình họ thi thoảng bị mất điện lưới trong năm 2023, tăng gần 7% so với tỷ lệ 63,5% của năm 2022, bao gồm cả dòng điện cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của người dân, việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng “chưa đáng kể”, khi mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này chỉ từ 6,71 điểm (năm 2022) tăng lên 6,77 điểm (năm 2023). Và “tham nhũng” đã giảm từ vị trí thứ năm vào năm 2022 xuống vị trí thứ sáu vào năm 2023 trong danh mục top 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.
Mặc dù vậy, trong năm 2023, tỷ lệ người cho rằng cần phải đưa “lót tay” để đảm bảo xin được việc làm trong khu vực Nhà nước cao hơn so với năm 2021. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56 – 62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước.
Di cư bắt buộc: Tìm việc, tạo sinh kế
Theo PAPI 2023, sinh kế là yếu tố nổi bật thúc đẩy di cư nội địa ở Việt Nam. Năm 2023, 40,68% số người tham gia khảo sát mong muốn di cư vì lý do đoàn tụ gia đình.
21,8% số người cân nhắc di cư tới địa phương khác để có việc làm tốt hơn. Lý do di cư do điều kiện môi trường sống xấu đi chỉ đứng thứ ba, với 17%.
TP.HCM và Hà Nội đứng đầu danh sách mong muốn di cư đến, với tỷ lệ lần lượt gần 22% và 15%, trong hơn 19.500 người dân được khảo sát.
Kế đến, ngoài TP.HCM và Hà Nội, top 10 tỉnh thành người dân muốn di cư đến nhất có Đà Nẵng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định.
Trong danh sách trên, nổi lên cụm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai – nơi phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ, nơi chiếm 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tỷ lệ đô thị hóa 62,8%.
Tỉnh miền núi Lai Châu là nơi có nhiều người bày tỏ mong muốn rời đi nhất với hơn 3,5%, tiếp theo là Điện Biên 3%, Quảng Bình, Đồng Tháp.
Đáng lưu ý, mối quan ngại về môi trường sống đặc biệt phổ biến trong cư dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – một điểm nóng về di cư với điểm đến nhiều nhất là TP.HCM. Kết quả phân tích về nguy cơ thiên tai từ khảo sát PAPI 2023 cho thấy tỷ lệ người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết canh tác của họ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn gấp đôi so với các vùng duyên hải khác.
Chỉ số PAPI được thực hiện bởi sự hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, với sự hỗ trợ trong điều phối khảo sát thực địa của các cơ quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ trung ương đến cơ sở. Kể từ năm 2009, năm 2023 là năm thứ 15 bộ chỉ số PAPI được tổng hợp, dựa trên kết quả khảo sát hơn 19.500 người dân ở 416 xã, phường thuộc 208 quận, huyện của 63 tỉnh thành. Có 120 tiêu chí đo lường với hơn 500 câu hỏi được gửi đến người dân. Kết quả khảo sát được thưc hiện qua phỏng vấn trực tiếp một đối một và phỏng vấn bằng máy tính bảng. |
Nguyễn Quân
Từ khóa lao động thiếu việc làm PAPI 2023 đói nghèo Dòng sự kiện