Đồng Nai: Thu giữ hơn 10 tấn hàng hoá nghi làm giả tại 16 điểm pha trộn, đóng gói
- Minh Anh
- •
Hơn 10 tấn gồm nhiều mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm như bột ngọt, bột giặt, dầu ăn, mì tôm, nước mắm… nghi làm giả vừa bị phát hiện, thu giữ trong đường dây liên kết từ TP.HCM đến tỉnh Đồng Nai, từ nhập nguồn đến pha chế, đóng gói và đưa đi tiêu thụ…
Ngày 5/1/2022, Công an tỉnh Đồng Nai cho hay vừa khám xét, thu giữ số lượng lớn nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi làm giả tại địa phương.
Trước đó, trong khu vực có một số loại thực phẩm, hàng hóa mang thương hiệu nổi trên thị trường bao gồm các loại bột giặt (OMO, NET…), dầu ăn, nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh… có dấu hiệu làm giả. Do đó, giới chức tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chuyên án để điều tra, triệt phá các cơ sở gia công và mua bán các mặt hàng trên.
Cụ thể, vào khoảng 9h sáng cùng ngày, 16 tổ công tác thuộc Ban chuyên án đã đồng loạt kiểm tra, khám xét 16 địa điểm sản xuất, mua bán hàng hoá tại các huyện Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, TP Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) và TP.HCM.
Đến 9h30, cơ quan điều tra đã kiểm tra điểm sản xuất tại số nhà 1546E (ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán) do bà Vũ Thị Hoa (45 tuổi, quê quán Nam Định, thường trú tại xã Phú Cường, huyện Định Quán) làm chủ cơ sở sản xuất.
Tại đây, tổ công tác đã phát hiện và thu giữ nhiều hàng hóa như: bột giặt hiệu OMO, Net, dầu ăn, mì tôm, các loại nước giải khát, bột ngọt, nước mắm… nghi được làm giả nhãn hiệu. Ngoài ra, cơ quan công an đã thu giữ 2 máy ép dùng để đóng gói các sản phẩm.
Bà Hoa khai nhận toàn bộ số lượng hàng hoá hơn 2 tấn tại nhà được mua từ TP.HCM và không có hoá đơn chứng từ mua bán, nguồn gốc xuất xứ. Sau khi đưa về, các sản phẩm này được bà Hoa pha trộn, đóng gói và đưa đi tiêu thụ tại khu vực huyện Định Quán và huyện Tân Phú.
Theo cơ quan điều tra, cơ sở này được xem là một trong những điểm sản xuất hàng hoá và đóng gói nghi làm giả có quy mô lớn.
Cùng thời điểm, các tổ công tác khác đồng thời khám xét nhiều địa điểm khác ở TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất được cho là những nơi tập trung, sản xuất hàng hoá nghi làm giả nói trên. Tại TP Biên Hòa, qua kiểm tra, khám xét nhà của ông Vũ Duy Hưng, bà Bùi Thị Hương và nhà bà Phạm Thị Nụ (cùng ngụ tại tổ 31, khu phố 5A, phường Long Bình), nhiều sản phẩm nghi bị làm giả bị phát hiện như: bột ngọt, bột giặt cùng nhiều loại bao bì, các thiết bị máy móc để gia công đóng gói sản phẩm.
Tổng cộng tại 16 địa điểm, các tổ công tác đã niêm phong, thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa các loại cùng nhiều loại bao bì mang các nhãn hiệu nổi tiếng. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.
Vẫn tại Đồng Nai, khoảng 2 ngày trước đợt bắt giữ lớn nói trên, nhiều cơ sở kinh doanh, xuất nhập hàng nhập khẩu tại huyện Xuân Lộc bị lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, phát hiện bán một số mặt hàng không rõ nguồn gốc và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, vào ngày 3/1/2022, 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu là Siêu thị hàng ngoại Shimart do ông Vũ Xuân Bắc (27 tuổi) làm chủ và Cửa hàng bánh kẹo trái cây Gạo Fine Food (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) do ông Phan Tấn Huy (38 tuổi, trú tại TP Long Khánh) làm chủ bị phát hiện có một số mặt hàng không rõ nguồn gốc như: sữa bột trẻ em, dung dịch vệ sinh, đậu phộng, bánh quy, kẹo, hạnh nhân khô bò…
Đến chiều cùng ngày, thêm cơ sở xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh Hưng Phát Food (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) do ông Phạm Ngọc Sơn (28 tuổi) làm chủ bị kiểm tra. Cơ sở này bị xác định có nhiều vi phạm về việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: người lao động sơ chế, chế biến thực phẩm không mang khẩu trang, ủng; vi phạm thời hạn sử dụng của hàng hóa (100kg đùi gà hết hạn sử dụng); kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Hiện Công an huyện Xuân Lộc đang tạm giữ khối lượng hàng hoá chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ để tiếp tục điều tra.
Minh Anh
Xem thêm: