Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dù đã thi công xong và được cấp chứng nhận an toàn, nhưng chưa được Hội đồng kiểm tra nhà nước cho ý kiến, nên chưa thể đưa vào khai thác thương mại.

cat linh ha dong
Dự án Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Báo chí nhà nước hôm 28/6 dẫn thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án) đã áp sai giá nhân công xây dựng hơn 222 tỷ đồng.

Trong đó, phần cầu tăng gần 72 tỷ đồng, nhà ga trên cao tăng 101 tỷ đồng, khu depot tăng hơn 42 tỷ đồng, phần đường ray tăng 4,7 tỷ đồng và đường tránh quốc lộ 6 tăng 1,7 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, trong trường hợp này, Bộ GTVT đáng lẽ phải áp dụng trả lương nhân công theo quyết định 3796/2014 của UBND TP. Hà Nội về công bố giá nhân công thị trường trong lĩnh vực xây dựng và Nghị định 70/2011 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.

Phản hồi về vấn đề này, Bộ GTVT lý giải do thời gian thực hiện dự án Nghị định 70/2011 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 103/2012 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng. Cục Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản cho UBND TP. Hà Nội tham vấn việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103.

Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội không trả lời nên quá trình lập, thẩm tra, thẩm định dự toán chủ đầu tư đã căn cứ Nghị định 103.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho rằng Quyết định số 3796/2014 của TP. Hà Nội được hiểu chỉ hướng dẫn cho các công trình do UBND thành phố quản lý chứ không phải cho tất cả các công trình tại Hà Nội.

Mặt khác, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có “yếu tố nước ngoài”, đã và đang phê duyệt chi phí nhân công với mức lương tối thiểu tại Nghị định 70/2011, nên Bộ này hiểu rằng quyết định trên chỉ là tham khảo…

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Nhân sự vận hành toàn hệ dự kiến gần 700 người, trong đó 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam, hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, với tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm. Được biết, phía Việt Nam đã thanh toán 95% tiền cho nhà thầu.

Cuối tháng 4/2021, tư vấn Pháp ACT đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống, dự án hiện vẫn đang chờ phê duyệt từ Hội đồng nghiệm thu nhà nước trước khi có thể chính thức chạy thương mại.

Kim Long

Xem thêm:

Gần 300 người bỏ việc, đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục tuyển người mới

.