Theo dự thảo mới được Bộ GD-ĐT công bố, phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 có nhiều thay đổi so với năm 2016.

tuyen sinh 2017
Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2016, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành đề thi minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo. (Ảnh minh họa: qua kenhtuyensinh.vn)

Mỗi tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi

Theo dự thảo mới được công bố, mỗi tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp.

Các Sở GD-ĐT sắp xếp nhân sự coi thi đảm bảo tính khách quan; Bộ GD-ĐT cử nhân sự, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ đến địa phương để phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức, coi thi và chấm thi.

Về việc quản lý cơ sở dữ liệu tốt nghiệp THPT, các thông tin của thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GD-ĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Sở GD-ĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật lên hệ thống kết quả học tập phổ thông, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh thuộc địa bàn quản lý.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng cơ sở dữ liệu chung này làm căn cứ để tuyển sinh. Bộ GD-ĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này phục vụ cho công tác quản lý ngành.

4 bài thi làm trắc nghiệm, chỉ còn Ngữ văn làm tự luận

Để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ, thí sinh sẽ làm 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

Đối với thí sinh giáo dục thường xuyên xét tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ làm 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn; và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí). Thí sinh có thể chọn thi thêm Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ trung bình kết quả học tập lớp 12.

Trừ bài thi môn Ngữ văn làm theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại: Toán, Ngoại Ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính.

2 ngày thi thống nhất trong cả nước

Theo dự thảo, nội dung đề thi năm 2017 chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018, nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT).

Kỳ thi tuyển sinh 2017 sẽ tổ chức thi trong 2 ngày vào tháng 6, thống nhất trong cả nước, cụ thể:

Ngày thứ nhất: buổi sáng thi Ngữ văn, buổi chiều thi bài thi Khoa học Tự nhiên.

Ngày thứ hai: buổi sáng thi Toán và Ngoại ngữ, buổi chiều thi bài thi Khoa học Xã hội.

tuyen sinh 2017 2
Các thí sinh sẽ dự thi vào 2 ngày thống nhất trong cả nước. (Ảnh minh họa: qua tuyensinh247.com)

ĐH, CĐ hệ chính quy có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm

Theo dự thảo, các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh hệ chính quy 1 hoặc 2 kỳ trong năm, có 4 phương thức tuyển sinh:

  • Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia

Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/ trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được gửi đến trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường để khẳng định nhập học tại trường. Trường cập nhật danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung. Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

  • Phương thức 2: Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

  • Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT

Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT), thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.

  • Phương thức 4: Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh

Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.

Đầu tháng 10 sẽ công bố đề thi minh họa

Theo dự thảo, đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng; bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua.

Các bài thi Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội: 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành đề thi minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo.

Các bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội 2017 là các bài thi tổ hợp 3 môn, không phải tích hợp.

Trong buổi tọa đàm “Phương án tuyển sinh THPT Quốc gia năm 2017” được tổ chức vào sáng ngày 8/9, TS. Sái Công Hồng – Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi: “Trong hình thức bài thi Khoa học Tự nhiên của các nước trên thế giới (Mỹ) thì là tích hợp giống với Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm, bài thi tổng hợp và hỗn hợp, tức là có thể xuất hiện 1 câu Lý, sau đó là 1 câu Sinh, Hóa. Bài thi của Bộ đưa ra là bài thi tổ hợp của 3 môn Lý, Hóa, Sinh; tương tự như vậy đối với Khoa học Xã hội thì có Sử, Địa, Giáo dục công dân.”

Tham dự buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, ví dụ bài thi tổ hợp sẽ có 20 câu Vật lý, sau đó đến câu Hóa học… việc ra bài thi như vậy sẽ làm giảm bớt đi 3 môn thi vào 3 buổi làm số buổi thi sẽ giảm đi và thời gian thi của các em cũng sẽ giảm.

Hải Anh

Xem thêm: