Gần 32.000 tỷ đồng ngân sách bị thất thoát, lãng phí trong 5 năm
- Minh Long
- •
Từ năm 2016 đến năm 2021, 1.300 vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại khoảng 31.800 tỷ đồng cho ngân sách.
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 31/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, cho biết từ năm 2016 đến 2021, có 1.300 vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã kết luận điều tra, trong đó đưa ra xét xử khoảng 1.100 vụ.
Các vụ án này có tổng giá trị thiệt hại khoảng 31.800 tỷ đồng (tại địa phương 19.500 tỷ, trung ương 12.300 tỷ). Số tiền đã được thu hồi gần 26.500 tỷ.
Trong 5 năm, có 3.085 dự án thất thoát, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư công, ở các lĩnh vực gồm: giao thông, xây dựng, mua sắm đầu tư các trang, thiết bị y tế, giáo dục, cho vay ngân hàng, lĩnh vực thuế, trục lợi bảo hiểm xã hội… Trong đó, năm 2016 là 590 dự án, 2017 (840), năm 2018 (422), năm 2019 (125), năm 2020 (923) và năm 2021 (185).
Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 – 2021 đã triển khai gần 50.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại hơn 73.200 đơn vị. Qua đó, cơ quan thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế trên 150.100 tỷ đồng với 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi gần 71.800 tỷ đồng, hơn 31.200 ha đất.
Một số bộ, ngành, địa phương có vi phạm về kinh tế lớn về đất đai, như Bắc Giang (406 ha), Hà Giang (1.012 ha), Sơn La (745 ha), Đắk Nông (6.076 ha), Gia Lai (900 ha), Thừa Thiên – Huế (23.575 ha). Vi phạm về tiền ở Bắc Ninh (580 tỷ đồng), Phú Thọ (695 tỷ đồng), Quảng Ninh (405 tỷ đồng), Đắk Nông (988 tỷ đồng)…
Cũng trong giai đoạn 5 năm, số dự án chậm tiến độ đang có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương: năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 (1.609 dự án), năm 2018 (1.778 dự án), năm 2019 (1.878 dự án), năm 2020 (1.867 dự án), năm 2021 (1.962 dự án).
Tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.
Hầu hết các dự án chậm tiến độ đều là công trình quan trọng quốc gia. Điển hình như: dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố đoạn Nhổn – ga Hà Nội; số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên; số 2 Bến Thành – Tham Lương…
Đoàn giám sát đánh giá các vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thực hiện không đúng quy định ngày càng tinh vi, phức tạp; xảy ra ở cả các cơ quan của Chính phủ trong chính ngành, lĩnh vực được giao quản lý, tham mưu. Nhiều vụ việc sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được phát hiện và xử lý, thu hồi số vốn, tài sản Nhà nước lớn; nhiều tổ chức, cá nhân đã bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng làm rõ vi phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đất đai, khoáng sản, tài nguyên và trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch và có giải pháp khắc phục hạn chế, vi phạm.
Ngoài ra, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động chính sách trong sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Khoáng sản (sửa đổi) báo cáo Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2022, 2023, 2024.
Đoàn giám sát cũng đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm trong tham mưu, ban hành các quy định vi hiến, trái quy định pháp luật, gây thất thoát lãng phí; quản lý, sử dụng ngân sách, vốn đầu tư công, tài sản công không hiệu quả…
Từ khóa thiệt hại ngân sách tham nhũng lãng phí thu hồi đất thất thoát dự án chậm tiến độ