Gần 40% vụ xâm hại trẻ em bị đình chỉ điều tra
- Phạm Toàn
- •
Theo Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Nguyễn Nhật Nam, gần 40% vụ xâm hại trẻ em bị tòa án trả hồ sơ vì không đủ bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y. Số vụ án xâm hại tình dục do các cơ quan tố tụng tiến hành thụ lý thực tế không phản ánh đúng như hiện trạng của loại tội phạm này.
Ngày 27/4, HĐND TP.HCM phối hợp cùng Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) đã tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” với chủ đề “Xâm hại tình dục trẻ em – Thực trạng và giải pháp”.
Tại buổi tọa đàm, bà Trần Hải Yến – Phó trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM thừa nhận tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng và rất nghiêm trọng. Bà Yến cho biết Thường trực HĐND TP đã yêu cầu và giám sát việc triển khai thực hiện Luật trẻ em cũng như công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên khu vực thành phố.
Bà Yến cho hay thực tế, việc khởi tố và xử lý loại tội phạm quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục trẻ em hiện gặp không ít khó khăn.
Theo thống kê của VKSND TP.HCM, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/3/2019, cơ quan chức năng đã khởi tố 282 vụ án liên quan đến quấy rối tình dục nói chung và xâm hại trẻ em nói riêng. Các cơ quan chức năng đã giải quyết 270 vụ; trong số đó đình chỉ, tạm đình chỉ 101 vụ (chiếm tỉ lệ hơn 37% số vụ án đã khởi tố). |
Ông Nguyễn Nhật Nam – Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng việc khó xử lý và khởi tố loại tội phạm quấy rối tình dục. Theo ông Nam, nhiều vụ thường không được bắt quả tang, không có người làm chứng, chỉ có lời khai ban đầu của người thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều trường hợp người bị hại quá nhỏ hoặc nhận thức hạn chế về hành vi bị xâm hại; người bị hại bị đối tượng đe dọa nên không trình báo.
Ngoài ra, quan điểm đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và đầy đủ về các loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục.
“Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội độc lập; cho phép cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đặc thù riêng để tiến hành thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nguy hiểm này“- ông Nam đề xuất.
Bên cạnh đó, việc trình báo chậm sự việc nên dấu vết chứng cứ vật chất thu thập được rất hạn chế, việc giám định chuyên môn còn không ít trở ngại nên không đủ căn cứ để buộc tội. Người thực hiện hành vi phạm tội, người bị hại thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho người phạm tội hoặc không hợp tác với các cơ quan điều tra.
Theo ông Nam, gần 40% vụ án bị tòa án trả hồ sơ vì không đủ bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y. Số vụ án xâm hại tình dục do các cơ quan tố tụng tiến hành thụ lý thực tế không phản ánh đúng như hiện trạng của loại tội phạm này. Nhiều trường hợp, cảnh sát điều tra đã khởi tố nhưng sau đó phải tạm đình chỉ vì không thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Trần Ngọc Sơn cho rằng khi các vụ bạo lực, xâm hại xảy ra, nạn nhân cũng như gia đình thường rất lúng túng, lưỡng lự trong việc thực hiện việc tố giác hành vi xâm hại trẻ.
Mặt khác, đa số trẻ em bị bạo lực, xâm hại và gia đình các em đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ nên không dám tố cáo kẻ gây án và cố gắng che giấu hoàn cảnh tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Trong khi đó, các nạn nhân bị xâm hại, bạo lực diễn ra trong một thời gian rất dài nên việc ghi nhận, cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi… thường không chính xác, đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thu thập chứng cứ. Một số vụ việc do nạn nhân và đối tượng phạm tội có quan hệ gia đình, họ hàng, hàng xóm thân thiết với nhau nên nhiều trường hợp đã tự thỏa thuận, không trình báo sự việc với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết Hội đang phối hợp một cách chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cùng các cơ quan chức năng để có thể tiếp nhận, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em với quyết tâm đưa ra ánh sáng và phải trừng phạt nghiêm khắc loại tội phạm này. Bà Nữ cũng như các khách mời cho rằng xã hội cần lên án mạnh mẽ hơn nữa các hành vi quấy rối tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em.
Cũng theo các khách mời, có nhiều trường hợp các gia đình vì còn hạn chế kiến thức về mặt pháp luật nên không ít vụ xâm hại bị “chìm xuồng”.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Từ khóa xâm hại tình dục trẻ em VKSND TP.HCM