Mỗi 8 giờ trôi qua, thêm 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục
- Nguyễn Quân
- •
Cứ mỗi 8 giờ trôi qua, thêm 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục. Tình trạng này đã diễn ra suốt một thập niên qua song vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến dù từ lâu Việt Nam đã ghi nhận quyền được bảo vệ của trẻ em.
“Phần nổi của tảng băng chìm”
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2014-2018, toàn quốc phát hiện khoảng 6.810 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Theo số liệu bình quân, con số này không giảm khi báo cáo trước đó, trong 5 năm (2011-2015), gần 6.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em được công bố.
Trong năm gần nhất – 2018, đã có 1.547 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em; con số này đã giảm 2,8% so với năm 2017.
Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 82% trong tổng số vụ xâm hại trẻ em, 1.269 vụ với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trên 80% nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái; gần 20% nạn nhân là trẻ em trai.
Phân tích theo tội danh, Bộ Công an cho biết đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác.
Các vụ án xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại Hà Nội, 88 vụ – đã khởi tố 47 vụ, trong đó 44 vụ xâm hại tình dục. Tại TP.HCM xảy ra 77 vụ xâm hại trẻ em, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ…
Các hình thức xâm hại phổ biến đối với trẻ em tại Việt Nam (theo trích dẫn của ThS. Vũ Thị Thanh Nga (ĐH Thủ đô Hà Nội) (2018))
|
Báo cáo vào tháng 8/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính chất vụ việc, bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi…
Ngoài ra, phải kể tới tình trạng phần lớn các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em bị trả lại hồ sơ, không được xét xử vì thiếu chứng cứ do bị chậm trễ thời gian giám định.
Trẻ em có “Quyền được bảo vệ”
Xâm hại trẻ em hay ngược đãi là tất cả các hình thức đối xử tồi tệ về mặt tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ khi xét về trách nhiệm, lòng tin hay quyền hành. – Liên Hiệp Quốc
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Theo pháp luật Việt Nam, những người có độ tuổi dưới 16 tuổi được coi là trẻ em.
Theo tổ chức UNICEF, trong nội dung Công ước, có 4 điều được coi là “Nguyên tắc chung”, giúp giải thích cho tất cả các điều khác và đóng một vai trò cơ bản trong việc thực hiện tất cả các quyền trong Công ước cho tất cả trẻ em, bao gồm:
- Không phân biệt đối xử (Điều 2)
- Lợi ích tốt nhất của trẻ (Điều 3)
- Quyền tồn tại và phát triển cuộc sống (Điều 6)
- Quyền được lắng nghe (Điều 12)
Với 4 nguyên tắc cốt lõi trên, chiểu theo tình hình thực tế tại Việt Nam, có thể thấy thực trạng xâm hại trẻ em tại Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi tổng số vụ, số đối tượng/nạn nhân tiếp tục ở mức cao hàng năm trong vòng 1 thập niên qua. Điều này phản ánh lỗ hổng của pháp luật và thực thi pháp luật đối với các biện pháp xử lý vi phạm, phòng ngừa tội ác.
Theo Luật Trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018, xâm hại tình dục trẻ em hành vi bị nghiêm cấm quy định tại mục 3 Điều 6.
Khái niệm “xâm hại tình dục trẻ em” được bộ luật xác lập như sau:
“Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”. (Điều 4, điểm 8)
Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục. Điều 25 của bộ luật khẳng định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.
Nội dung quy định trên phù hợp với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004). Khoản 2, Điều 56 của bộ luật quy định rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và tố cáo hành vi xâm hại tình dục trẻ em.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử lý hình sự theo quy định.
Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em– Điều 142: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; – Điều 144: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; – Điều 145: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; – Điều 146: Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; – Điều 147: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Trong đó, người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, người đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa xâm hại tình dục trẻ em dâm ô trẻ em Luật Trẻ em 2016