Trong 74 công trình thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Gia Lai, 17 công trình với tổng công suất 44,65 MW được loại bỏ ra khỏi quy hoạch; 2 công trình thủy điện công suất 0,405 MW đã dừng vận hành vì mang lại hiệu quả kinh tế thấp và tác động tiêu cực đến môi trường.

thuy dien an khe kanak gia lai
Nhà máy thủy điện An Khê – Kanak – “công trình sai lầm thế kỷ”. (Ảnh: akhpc.vn)

Ngày 8/8, UBND tỉnh Gia Lai cho biết hiện khu vực tỉnh có tổng cộng 74 thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch và bổ sung, điều chỉnh quy hoạch. Trong đó:

  • 35 thủy điện đang vận hành với tổng công suất 286,95 MW;
  • 6 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 52,2 MW;
  • 14 thủy điện có trong quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư với tổng công xuất 45,4 MW (trong đó có 7 thủy điện đã được đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch, 1 thủy điện không được phép triển khai và thu hồi dự án);
  • 17 thủy điện đã loại khỏi quy hoạch với tổng công suất 44,65 MW;
  • 2 thủy điện đã dừng vận hành với tổng công suất 0,405 MW.

Theo UBND tỉnh, việc loại 17 thủy điện khỏi quy hoạch và dừng vận hành 2 thủy điện là do các thủy điện có công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, có tác động tiêu cực đến môi trường.

Hiện tỉnh Gia Lai còn 55 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong quy hoạch. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đề xuất và đưa ra khỏi quy hoạch các dự án thủy điện kém hiệu quả.

Về tác động tiêu cực của các nhà máy thủy điện, phải kể tới thủy điện An Khê – Ka Nak (nằm tại sông Ba, huyện K’Bang và thị xã An Khê) được khởi công xây dựng vào tháng 11/2005 với tổng công suất 173 MW. Trong suốt hơn 10 năm đi vào hoạt động, thủy điện này đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.

Sáng 25/5/2011, thủy điện An Khê – Kanak bất ngờ xả nước sai quy định khiến gần 50 ha hoa màu, 10 con trâu bò, 62 máy nổ, máy bơm nước của hơn 140 hộ dân tại huyện Kbang bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại của trận xã lũ không báo trước này đối với vùng hạ du là khoảng 10 tỷ đồng. Ban quản lý dự án thủy điện 7 đã phải miễn cưỡng bồi thường cho người dân 4,5 tỷ đồng.

Giữa tháng 11/2013, trận lũ lịch sử do thủy điện An Khê – Kanak xả đã nhấn chìm thị xã An Khê trong biển nước. Lũ lên nhanh đến nỗi người dân không kịp trở tay, nhiều hộ gia đình đành bất lực nhìn tài sản mình trôi trong dòng lũ dữ. Mọi thứ sau cơn lũ chỉ còn là một đống đổ nát, hoang tàn và nỗi sợ hãi, bàng hoàng của người dân thị xã An Khê. Ông Lê Thanh Tân – Chủ tịch UBND thị xã An Khê khẳng định không hề nhận được bất kỳ văn bản nào của nhà máy thủy điện trước khi xả lũ.

Những tháng đầu năm 2016, trong cơn hạn hán lịch sử, hơn 200 km vùng hạ lưu sông Ba trở thành “dòng sông chết”. Dòng nước chỉ còn chảy nhỏ giọt, ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân vùng hạ du.

Ông Huỳnh Thành – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã từng gọi công trình thủy điện này là một “sai lầm thế kỷ”. Ông Thành cho biết sai lầm khi xây dựng thủy điện An Khê – Kanak ở chỗ công trình này chặn hẳn dòng sông Ba có chiều dài khoảng 200 km để chuyển qua một dòng sông khác (lấy nước từ sông Ba nhưng lại trả về sông Kôn, chứ không trả lại sông Ba) – trên thế giới không có đất nước nào làm như vậy.

Việc chặn dòng trái với quy luật tự nhiên sẽ gây ra hậu quả lớn về môi trường sinh thái. Điều này không phải giải quyết được trong một, hai năm mà có thể kéo dài tới hàng chục năm.

Phạm Toàn

Xem thêm: