Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Vì sao không có dấu vân tay của Hải ở hiện trường?
Tại phiên xử giám đốc thẩm chiều 7/5, đại diện Viện KSND tối cao cho rằng việc lấy dấu vân tay đang thể hiện có nhiều thiếu sót, không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải ở hiện trường Bưu điện Cầu Voi.
Không có dấu vân tay của Hải ở hiện trường
Tại phiên xử, đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề về những mâu thuẫn liên quan đến dấu vân tay được thu tại hiện trường vụ án. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của bị cáo Hồ Duy Hải.
Tại Bút lục 53 nêu rõ, Bản kết luật giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.
Đại diện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An cho biết đã tiến hành lấy mẫu vân tay tại hiện trường vụ án và khu vực nhà vệ sinh. Kết quả không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Việc không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải là trùng khớp với lời khai tại các biên bản hỏi cung là sau khi gây án Hải đã đi rửa tay nên không để lại dấu vân tay.
Sau khi nghe cơ quan điều tra giải thích, Thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề: Có rất nhiều khu vực có thể lưu lại dấu vân tay, tại sao lại chỉ lấy vân tay tại cửa nhà vệ sinh và lavabo nơi Hải rửa tay? Thêm nữa, hiện trường của vụ án rất rộng, từ nơi Hải gây án đến nhà vệ sinh, những nơi có thể lưu lại dấu vân tay như: ly nước, chiếc ghế, hộc tủ, tủ đựng tiền… đặc biệt là hung khí tại sao lại không lấy vân tay trên đó? Những dấu vân tay còn lại là của ai? Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol đã truy xuất dấu vân tay chưa?
Đại diện Cơ quan điều tra cho rằng bị cáo Hồ Duy Hải thực hiện rất nhiều thao tác tại nhiều vị trí nhưng không thu được dấu vân tay là… bình thường. Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân V. và 5 dấu vân tay khác không xác định được. Bên cạnh đó cũng không tìm được dấu vân tay của nạn nhân H..
Cơ quan điều tra cho biết Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol là hai đối tượng nghi vấn đã được lấy dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường.
Đại diện Viện KSND tối cao đưa ra lập luận đây là án truy xét nên việc lấy dấu vân tay tại hiện trường của vụ án là rất quan trọng. Theo đại diện viện kiểm sát, việc lấy dấu vân tay đang thể hiện có nhiều thiếu sót.
Tiếp tục, thành viên HĐXX đặt câu hỏi căn cứ vào đâu điều tra viên xác định được đối tượng tình nghi trong vụ án khi không dựa vào dấu vân tay để lại hiện trường. Thành viên HĐXX dẫn chứng ban đầu điều tra viên xác định Đinh Vũ Thường là đối tượng tình nghi, sau đó chuyển thành nhân chứng vì không tìm thấy dấu vân tay của Thường tại hiện trường. Ngược lại, Hải lại trở thành hung thủ dù cũng không tìm thấy dấu vân tay của Hải ở hiện trường?
Cơ quan điều tra cho rằng dấu vân tay chỉ là một căn cứ để xác định hung thủ, Thường và hai người nữa được loại khỏi danh sách tình nghi vì có tình tiết ngoại phạm.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định theo như trả lời của cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra có tìm dấu vân tay tại hiện trường nhưng có nhiều vị trí không thấy, có thấy dấu vân tay nhưng lại không phải của Hải.
Chủ tọa phiên xử chấp thuận đề nghị của đại diện VKSND Tối cao, đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cung cấp bản chính các tài liệu, đặc biệt là những tài liệu liên quan đến các bản vân tay thu được từ hiện trường vụ án, để HĐXX đánh giá tài liệu này, làm rõ bản chất của vụ án khi nghị án.
Tại sao lời khai đầu tiên Hải không nhận tội không lưu trong hồ sơ vụ án?
Hội đồng Thẩm phán yêu cầu các cơ quan tố tụng giải trình lý do tại sao lời khai đầu tiên Hải không nhận tội không lưu trong hồ sơ vụ án. Trong kháng nghị, đại diện VKS Tối cao đã nêu nhiều sai sót về tố tụng trong quá trình điều tra vụ án, truy tố, xét xử, trong đó có lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải thể hiện “không nhận tội” đã không được lưu trong hồ sơ.
Giải thích về vấn đề này, điều tra viên cho biết qua rà soát danh sách điện thoại, thấy có Hải nên mời Hải lên hỏi cùng khoảng 100 người khác. Khi hỏi Hải về thời gian sử dụng trong ngày, Hải khai đi đám tang với một số người nhưng xác minh thấy không đúng, dẫn đến nghi vấn. Ngày hôm sau, 21/3/2008, cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai của Hải, qua đấu tranh, Hải khai nhận hành vi phạm tội.
“Do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu trong hồ sơ”, điều tra viên nói.
Theo đánh giá của chủ tọa, việc không đưa lời khai ngày 20/3 của Hồ Duy Hải vào hồ sơ là sai.
Chánh án cũng đề nghị điều tra viên giải thích về việc một số biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký của người khai như kháng nghị đã nêu. Điều tra viên cho rằng chỉ sửa chữa lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến lời khai của bị can.
Hội đồng yêu cầu chiếu những bút lục mà kháng nghị của VKSND Tối cao đã nêu xem sửa chữa như thế nào. Bản chiếu lên cho thấy đó là những sửa chữa nhỏ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận xét dù điều tra viên giải thích là “sửa lỗi chính tả” nhưng cũng là sai, bởi đây là biên bản tố tụng nếu sửa thì phải có chữ ký của người khai. Cơ quan điều tra thừa nhận có những thiếu sót trong khi tiến hành điều tra vụ án này.
Đề nghị thực nghiệm lại hiện trườngTại phiên xử giám đốc thẩm sáng 7/5, đại diện viện kiểm sát đề nghị thực nghiệm lại hiện trường, do kết luận về thời gian Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp. Đại diện viện kiểm sát cho rằng dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hải nhưng là từ buổi trưa (lúc 11h25 ngày 13-1-2008), không có ý nghĩa chứng minh gì. Lời khai của nhân chứng chỉ nói nhìn thấy có 1 thanh niên, cũng chỉ nói về khoảng thời gian là “khoảng 19h nhìn thấy”. Người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận có chị V. đến mua hoa quả, nhưng không xác nhận được người đưa tiền cho V. mua hoa quả là Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra giải thích Thường là đối tượng tình nghi nên lời khai không đưa vào hồ sơ nhân chứng. Nhưng lời khai này là một chứng cứ quan trọng trong vụ án nên đề nghị cung cấp cho viện kiểm sát và hội đồng giám đốc thẩm. Từ những lập luận trên, đại diện viện kiểm sát đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường vụ án. Trong đó tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe… rồi từ đó đến bưu điện. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng tình đây là những chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập thì không nói lên điều gì, nhưng tổng hợp lại thì sẽ có vấn đề, đồng thời đề nghị đến phần đánh giá chứng cứ, các thẩm phán sẽ đánh giá tổng thể các chứng cứ. |
Vĩnh Long (T/h)
Từ khóa dấu vân tay tại hiện trường vụ án Hồ Duy Hải giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải