Giáo viên yêu cầu hơn 40 học sinh tát bạn: Có những vết thương dù không hề bị đánh
- Lê Trai
- •
Trong nhiều ngày qua, những khó hiểu và bất bình trong dư luận vẫn chưa kết thúc trước sự việc một cô giáo chủ nhiệm lớp 4 cho 43 học sinh trong lớp tát bạn của mình vì nghi em nói bậy. Sau sự việc, cô giáo ấy đã bị xử lý không cho đứng lớp dạy ít nhất một học kỳ. Những đứa trẻ vẫn tiếp tục đến trường. Nhưng hình dung về sự bao dung trong tâm trí của cả cô và trò đều đã không còn nguyên vẹn.
Việc cô giáo yêu cầu cả lớp 43 em lần lượt tát vào mặt bạn là sai hoàn toàn. Trong bản tường trình, cô chia sẻ không hiểu sao lúc ấy bản thân lại ra quyết định như thế. Quyết định ấy phải trả giá bằng sự chất vấn từ dư luận, phụ huynh học sinh và các đồng nghiệp, còn 44 em học sinh mang nỗi hoài nghi khi các em không biết làm thế nào mới là người tốt. Do đó, xin đừng chỉ coi đó là một phút nóng giận mất lý trí.
12 năm phổ thông, 8 năm học đại học và sau đại học cho tôi một tấm lòng trân trọng những người làm nghề giáo. Là một người được chỉ dạy để làm trong ngành giáo dục, tôi cảm thông với áp lực mà các thầy cô phải chịu. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Dạy chữ cần mười mấy năm, còn dạy nhân cách thì cần một đời.
Bởi thế, không chỉ trò phải học, mà các thầy cô cũng học. Việc dạy dỗ cũng giống như ươm mầm xanh, không chỉ để mầm cây lớn, mà qua đó cũng rèn đức nhẫn nại và biết hy vọng trong lòng người trồng cây.
Sự giáo dục do đó không phải là mũi tên một chiều, mà như dấu bằng đẳng thức như vậy. Điều khác biệt là mỗi giáo viên sẽ phải đứng trước hàng chục, hàng trăm, và nếu may mắn là cả ngàn nhân cách. Mỗi đứa trẻ như cây cần uốn cành, không phải là bẻ cành mà cần nương theo tâm hồn, tính tình mỗi đứa mà khoan dung, chỉ bảo.
Con đường ấy không dễ, vì thế nên cần bao dung.
Năm tôi lớp 7, vì một việc không ai chịu nhận lỗi nên cả lớp bị cô giáo phạt. Hình phạt không bạo lực, nói đúng hơn là hình phạt về tinh thần: khi cả lớp đứng lên chào cô, cô không khoát tay cho ngồi như mọi khi mà im lặng ngồi xuống chờ đợi câu trả lời. Cả lớp phải đứng như vậy, tới hết tiết. Một sự uất ức bao trùm tất cả. Tiết sau lại lặp lại như vậy. Một số bạn trai (không mắc lỗi) định nhận thay cả lớp, nhưng rồi vì chạm vào lòng tự ái mà cũng quyết im lặng “trả đòn”. Hình phạt ấy chỉ kết thúc khi một bạn nữ trong lớp bị ngất xỉu.
Tới giờ, chúng tôi chẳng ai còn nhớ là vì sự việc gì. Nhưng vết thương thì còn dù không hề có ai bị đánh. Vì sao những đứa trẻ lại bị tổn thương? Ban đầu, sự im lặng khiến chúng tôi nghi kỵ lẫn nhau. Nhưng sau 45′ rồi 45′, những đứa trẻ hiểu rằng chúng không được lắng nghe. Chúng bị giáo viên từ chối và tất cả đều đang bị coi là “kẻ có lỗi”.
Từ chối lắng nghe ấy cũng không khác là bao với việc khiến một đứa trẻ bị cô lập trước 43 người bạn còn lại. Không chỉ đứa trẻ bị nhận tát, mà cả những đứa trẻ nhận lệnh phải tát bạn cũng đang bị từ chối lắng nghe xem chúng đang nghĩ gì, muốn gì. Nếu được hỏi từng người, tôi tin trong số hơn 40 đứa trẻ ấy sẽ không có chuyện cả lớp đánh bạn như thế.
Việc ra lệnh cho cả lớp tát bạn ấy, đó là một hình phạt bạo lực. Đó cũng có phải là một hình phạt về tinh thần không? Tôi nghĩ rằng có. Nó làm tổn thương lòng yêu thương bạn, gây nên nỗi ám ảnh và hoài nghi cho những đứa trẻ khi chúng không dám cất tiếng nói cho sự tha thứ. Bên cạnh những đúng, sai, hãy dạy thêm cho những đứa trẻ biết cho đi lời xin lỗi và lòng tha thứ. Khi giáo viên dạy cho các em biết về lòng khoan dung, những đứa trẻ sẽ biết tự dàn xếp với nhau, và tự dàn xếp với chính mình.
Trong bộ phim Đường về (The way home, 2002) của đạo diễn Lee Jeong-hyang, cậu bé Sang Woo, 7 tuổi, trở nên ích kỷ, giận dữ và vô lễ khi cảm thấy như bị tước mất mọi thứ khi bị mẹ đưa về nhà ngoại, nằm giữa vùng quê nhiều thiếu thốn. Cậu ném thức ăn, ném tất cả giận dữ lên người bà già nua bị câm, ganh ghét chúng bạn quê mùa. Thậm chí cậu còn lén lấy trộm, bán cây trâm cài tóc, vật quý giá duy nhất của bà ngoại chỉ để mua pin cho máy chơi điện tử. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn và tình yêu bao la của bà, Sang Woo dần biết thế nào là tình thân và sự khiêm nhường. Cậu cũng học được cách hòa mình với chúng bạn, biết cho đi thay vì nhận lại. Nhờ sự bao dung và tha thứ, bà đã trở thành người thầy vĩ đại nhất của Sang Woo.
Những em học sinh lớp 4 mới chỉ khoảng 10 tuổi, nhưng là độ tuổi với nhiều cá tính đã hình thành. Người lớn hãy học cách lắng nghe các em. Người lớn cần biết rằng, đôi khi im lặng không đồng nghĩa với thấu hiểu, nhưng lắng nghe thì khác. Hãy cho trẻ nhận về cảm giác được lắng nghe, tôn trọng và khoan dung.
Trong tâm trí của những đứa trẻ, có những vết thương dù không hề bị đánh, nhưng cũng có những bài học không cần phải nói thành lời.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa bạo lực học đường môi trường giáo dục ở Việt Nam thực trạng giáo dục Việt Nam giáo viên cho học sinh tát bạn