Hà Nội chi 1.250 tỷ đồng để làm công viên diện tích 95ha
- Minh Long
- •
Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (Hà Nội) được xây dựng trên khu đất rộng 95ha, với mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2027 sẽ hoàn thành.
Công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (công viên Hà Đông) tọa lạc trên mảnh đất rộng 95ha thuộc 2 phường Hà Cầu và Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), cách Ngã Tư Sở 9km về phía Tây Nam, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 14km.
Như vậy, công viên Hà Đông có diện tích lớn gần gấp 5 lần công viên Hòa Bình (20ha), gần gấp đôi công viên Thống Nhất (50ha), chỉ nhỏ hơn công viên Yên Sở (323ha).
Công viên Hà Đông được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật, góp phần hoàn thiện không gian cảnh quan và làm hài hòa không gian kiến trúc cho các tuyến đường lớn trong khu vực như: Vành đai 3,5, đường Phúc La – Văn Phú và khu vực lân cận như khu đô thị mới Văn Phú, Phú Lương, Kiến Hưng.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 650 tỷ đồng, thực hiện từ cuối năm 2024 đến 2027.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông (Ban QLDA) thuộc UBND quận Hà Đông, công viên Hà Đông chia làm 3 khu chức năng, gồm khu A – công viên văn hóa, truyền thống (gần 47 ha); khu B – công viên vui chơi giải trí (hơn 23 ha); khu C – công viên thể dục thể thao (hơn 22 ha).
Trong đó, ở giai đoạn 1, khu A gồm khu vực phục vụ dã ngoại, chòi ngắm cảnh ven hồ, khu công viên tĩnh, sân tập dưỡng sinh, quảng trường nhạc nước, triển lãm ngoài trời, quảng trường văn hóa, lễ hội, bãi đỗ xe, cổng vào (cổng số 1)… Cổng vào số 1 được đặt tên là “truyền thống”, có hình dáng đặc trưng cho kiến trúc mái dốc, mái cong mô phỏng các cổng làng quê ở đồng bằng Bắc bộ.
Khu B ở giai đoạn 1 sẽ đầu tư các hạng mục vườn hoa, đường dạo tiểu cảnh, quảng trường vui chơi, quảng trường lớn, bến tàu, nhà gỗ trẻ em, cầu mê cung, cổng vào (cổng số 3 và số 4)… Cổng số 3 được đặt tên là “lễ hội”, được tạo dáng là khối cong 5 chiều. Ngoài ra, ở phía nam khu B sẽ có thêm cổng “kí ức” (cổng số 4), được thiết kế theo công trình kiến trúc cổ, đại diện cho nền văn hóa Xứ Đoài nói riêng, cho đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Khu C ở giai đoạn 1 sẽ đầu tư các hạng mục chòi chim, cổng vào (cổng số 2), quảng trường sự kiện, khu đường dạo, tiểu cảnh và bãi đỗ xe. Cổng vào ở khu này được đặt tên là “cánh diều”, được thiết kế bởi các đường cong, tạo cảm giác thể thao.
Theo Ban QLDA, trong phạm vi 65 hạng mục được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, phạm vi dự án chỉ đầu tư khoảng 30 hạng mục.
Trong đó việc đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân đường, cây xanh cảnh quan, cổng, chòi nghỉ, nhà vệ sinh kết hợp quản lý, vận hành kỹ thuật chung, quảng trường và các khu sân chơi tự do… là các hoạt động không thu phí.
Các công trình kiến trúc cần có bộ máy vận hành, quản lý, duy tu bảo dưỡng như nhà thể thao đa năng, bể bơi bốn mùa, sân bóng đá, bảo tàng, làng nghề, nhà thiếu nhi, nhà hàng, tàu lượn cảm giác mạnh, khu công viên nước… sẽ được đầu tư bằng các dự án riêng bằng nguồn vốn huy động, hoặc phương thức xã hội hóa.
Cảnh quan trong Khu công viên chủ yếu là cây xanh bóng mát, vườn cây, thảm cỏ, tiểu cảnh kết hợp với các sân chơi đường dạo, được thiết kế và lựa chọn các loại cây phù hợp với chức năng của khu A, B, C đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Đối với các công trình, hạng mục khác chưa cần thiết đầu tư ở giai đoạn này, sẽ được trồng cỏ để tạo cảnh quan chung trong Khu công viên. Dự kiến sẽ hoàn thiện ở các giai đoạn sau hoặc chờ nguồn vốn xã hội hóa đầu tư để khai thác hết hiệu quả của Khu công viên sau này.
Từ năm 2022, chính quyền sở tại đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức thi công quây hàng rào tôn quanh khu đất. Song hiện nhiều khu vực quây tôn thành nơi tập kết rác thải, bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan đô thị mặc dù đã có biển cấm đổ rác.
Trước đây, bên trong dự án có nhiều sân bóng, nhà hàng, khu dịch vụ hoạt động. Sau khi dư luận lên tiếng, quận Hà Đông đã yêu cầu các đơn vị thuê mặt bằng phải di dời khỏi dự án. Đến nay, vật liệu xây dựng của các công trình này vẫn còn ngổn ngang.
Dự án công viên Hà Đông được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt từ năm 2008. Sau hơn 15 năm trùm mền, cuối năm 2023, cơ quan chức năng đã công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực này.
Hồi tháng 4 vừa qua, dự án này được Bộ TN-MT công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư cũng nêu yếu tố nhạy cảm về môi trường khi thực hiện dự án là phải chuyển đổi mục đích sử dụng trên 302.200m2 đất lúa từ 2 vụ trở lên thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án; trong đó trên 63.346m2 đất thuộc phường Hà Cầu và 238.861m2 thuộc phường Kiến Hưng.
Một công viên khác là công viên Thiên văn học (khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông) do xây dựng sai quy hoạch nên dù đã làm xong vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Đầu năm 2024, công viên này mới tạm được mở cửa.
Từ khóa công viên Hà Đông xây công viên công viên Hòa Bình công viên Yên Sở