Hà Nội: Giải pháp nào giảm ùn tắc cho nút giao Pháp Vân?
- Kiến Huy
- •
Tổng cục Đường bộ vừa đề xuất lên Bộ GTVT hai nhóm giải pháp giảm ùn tắc tại nút giao Pháp Vân với tổng kinh phí dự kiến gần 2.400 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Đường bộ, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được nâng cấp, mở rộng đã hoàn thành giai đoạn 1, đang được thi công giai đoạn 2 thành 6 làn xe cơ giới, dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ được đưa vào khai thác.
Đây là nút giao kết nối tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3, bến xe Nước Ngầm và bến xe Giáp Bát có lưu lượng phương tiện rất lớn, đặc biệt vào các giờ cao điểm, các ngày lễ, tết. Trong khi đó, theo Tổng cục, mặt đường của tuyến lại hẹp, bị lún võng, trượt trồi, lún đầu cầu, hệ thống biển báo hiệu bị che lấp, khó quan sát…
Theo đó, Tổng cục Đường bộ đề xuất hai nhóm giải pháp cải tạo nút giao Pháp Vân và phân luồng từ xa để giảm ùn tắc giao thông tại đây.
Nhóm giải pháp 1: Cải tạo nút giao Pháp Vân, kinh phí dự kiến hơn 423 tỷ đồng
Với nhóm giải pháp này, nút giao Pháp Vân sẽ được bổ sung nhiều nhánh rẽ để giảm ùn tắc. Cụ thể:
- Bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao Trumpet kết nối với nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì – Quốc lộ 1 (giao với đường Giải Phóng);
- Bổ sung đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn, để giảm luồng phương tiện rẽ trái trực tiếp tại vị trí nút giao giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3 về trung tâm thành phố;
- Bổ sung làn rẽ phải vào đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Cùng với đó, Tổng cục cũng đưa ra phương án cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường Vành đai 3 đi thấp vào đường Quốc lộ 1, để thuận lợi cho làn rẽ phải vào trung tâm thành phố; đồng thời cải tạo nhánh rẽ phải từ đầu đường Trần Thủ Độ nhập cùng lối vào của nhánh Ramp để vào đường cao tốc.
Nhóm giải pháp cải tạo nút giao dự kiến có kinh phí hơn 423 tỷ đồng, trong đó chi phí cho mặt bằng khoảng hơn 255 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ được xem xét sử dụng vốn dư của Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT.
Nhóm giải pháp 2: Phân luồng từ xa, kinh phí dự kiến hơn 1.900 tỷ đồng
Với nhóm giải pháp thứ 2, Tổng cục Đường bộ đề xuất 3 hạng mục đầu tư xây dựng.
- Bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (Vành đai 2,5) bằng cách đầu tư xây dựng tuyến đường LK49 (có chiều dài khoảng 1,7 km, quy mô nền đường rộng 30m) để kết nối ra Quốc lộ 1 (đường Giải phóng) tại nút giao Kim Đồng. Kinh phí đầu tư cho phương án này dự kiến là 1.954,7 tỷ đồng (trong đó chi phí cho mặt bằng là 1.073,9 tỷ).
- Xem xét bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra Quốc lộ 1 khi hoàn thiện tuyến đường nối khu tái định cư Đồng Tàu ra Quốc Lộ 1 (tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ). Kinh phí đầu tư dự kiến là 421,9 tỷ đồng (trong đó chi phí cho mặt bằng là 327,6 tỷ đồng).
- Bổ sung điểm kết nối vào đường cao tốc: đầu tư xây dựng một vị trí nhập vào đường cao tốc bằng cách cải tạo đoạn đường nối Quốc lộ 1, từ vị trí sau cầu Văn Điển vào đường cao tốc (đoạn đường dọc sông Tô Lịch). Kinh phí đầu tư dự kiến là 26,7 tỷ đồng (trong đó chi phí cho mặt bằng là 5,5 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 3 hạng mục trên, hạng mục đầu tiên – bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai với chi phí dự kiến hơn 1.900 tỷ đồng là giải pháp hiệu quả nhất, trong bối cảnh Hà Nội đang nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện đường dự án vành đai 2,5 theo quy hoạch.
Đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng, với phương án này, kinh phí đầu tư tương đối lớn, Tổng cục đề nghị Bộ và UBND TP. Hà Nội xem xét phương án đầu tư xây dựng và nguồn vốn thực hiện.
Kiến Huy
Xem thêm:
Từ khóa Cải tạo nút giao Pháp Vân quy hoạch giao thông Hà Nội giải pháp giảm ùn tắc tại nút giao Pháp Vân nút giao Pháp Vân