Hà Nội lập quy hoạch phân khu 4 khu công nghiệp gần 900ha
- Minh Long
- •
Theo giới chức Hà Nội, thời gian lập quy hoạch phân khu 4 khu công nghiệp dự kiến kéo dài từ năm 2023 đến năm 2025.
- Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam tiếp tục gia tăng nhanh
- 6/6 mẫu muối gia vị lấy tại Hà Nội đều nhiễm vi nhựa
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 769 về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn) có quy mô 302,8ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Đông Anh (các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) có quy mô 300ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở và Văn Phú, huyện Thường Tín) có quy mô 112ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến, huyện Thường Tín) có quy mô 174,8ha.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức lập 4 quy hoạch trên.
Thời gian lập quy hoạch dự kiến kéo dài từ năm 2023 đến năm 2025. Ranh giới, quy mô các quy hoạch được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch.
Hiện Hà Nội có tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở.
Hiện 8.388 chỗ ở đã hoàn thành và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ, gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (tại khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai) và 1 dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh đang được triển khai.
Tạp Chí Cộng Sản, Cơ quan lý luận chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, hồi cuối 2022 cho biết theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của TP. Hà Nội là 2.398người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước. Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực dẫn đến môi trường tại Hà Nội.
Cụ thể, ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt: Tại Hà Nội, việc thu gom rác chưa đạt hiệu quả, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong thành phố. Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10 – 15% không được thu gom. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội. Vấn đề tồn đọng về rác thải đã và đang gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan cho quá trình đô thị hoá.
Ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt: Hà Nội nói riêng và các khu đô thị nói chung hầu hết nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ trong đô thị. Tổng lượng nước thải hàng ngày của TP. Hà Nội vào khoảng 320.000m3, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó.
Ô nhiễm môi trường không khí: Hà Nội vẫn luôn trong top những thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 PM1).
Ô nhiễm tiếng ồn: Mức độ đô thị hoá cao, mật độ xe cộ tham gia giao thông luôn ở mức dày đặc, tiếng ồn đến từ còi xe, nẹt bô… đã trở thành nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, bởi tiếng ồn và gây những khó chịu đến cuộc sống của người dân, đồng thời làm xấu bộ mặt của đô thị.
Ô nhiễm môi trường đất: Hà Nội hiện nay có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do đất chịu tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hoá, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu; nước thải ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất. Ngoài ra, một số khu vực là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất, hay chất thải rắn sinh hoạt tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường đất. Tại khu vực đô thị, chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm.
Từ khóa Hà Nội Ô nhiễm môi trường ô nhiễm không khí khu công nghiệp