Theo quy hoạch, các bãi đỗ xe công cộng ngầm được bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng là khoảng 104 ha.

bai do xe ngam ha noi
Bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ. (Ảnh chụp màn hình/hanoitv.vn)

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện với tổng diện tích 756km2, độ sâu tối đa 30m.

Khu vực nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.

Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

Hà Nội xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm: hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe…

Trong đó, đối với các khu vực nội đô lịch sử, quy hoạch nhấn mạnh việc tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sân đỗ xe kiểu cơ giới hóa. Quy hoạch cũng cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới các khu vực vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng.

Theo quy hoạch, các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 104ha, công trình xây dựng từ 3-4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ).

Vị trí, quy mô, công suất các bãi đỗ xe ngầm sẽ được xác định chính xác theo đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ, các đồ án quy hoạch phân khu hoặc các dự án đầu tư riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các quỹ đất chuyển đổi chức năng trong khu vực nội đô cần bố trí bãi đỗ xe ngầm phục vụ nhu cầu bản thân và đáp ứng một phần nhu cầu công cộng.

Đối với khu vực nội đô mở rộng và các khu vực cải tạo trên các trục hướng tâm thuộc khu vực mở rộng phía Đông vành đai 4, tận dụng tối đa các bãi đỗ xe hiện có cải tạo xây dựng bãi đỗ xe cao tầng, ngầm.

Trước đó, cuối năm 2020, Hà Nội đã thông báo dừng lập đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng do đã nghiên cứu, lồng ghép vị trí, quy mô bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận trên trong các đồ án quy hoạch phân khu khu vực 4 quận nội đô gồm H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3, H1-4; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên thành phố.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm kết hợp tạo cảnh quan đô thị là hướng đi đúng đắn nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh đang ngày càng bức thiết của Hà Nội. Bên cạnh đó, việc để các khu đất nằm không trong khi nhu cầu về bãi đỗ xe đang vô cùng lớn là một sự lãng phí.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm, cho biết các dự án bãi đỗ xe ngầm trên đã được phê duyệt chủ trương nhiều năm nay, một số dự án đã phê duyệt hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Có quy hoạch nhưng lại không có văn bản hướng dẫn, quy định về cơ chế tháo gỡ nên các đơn vị thực hiện phải tự mày mò, dẫn đến không hiệu quả.

Theo ông Nghiêm, điều mà các sở ngành có trách nhiệm như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Giao thông Vận tải cần ngồi lại với nhau để đưa ra cơ chế triển khai bãi đỗ xe ngầm theo quy hoạch. Nếu cứ vẽ quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng bãi xe ngầm rồi để doanh nghiệp thu hồi vốn thông qua thu phí phương tiện thì nhiều năm nữa Hà Nội sẽ khó có bãi xe ngầm đúng nghĩa.

Theo quy hoạch vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua, đến năm 2025, Hà Nội sẽ xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Kim Long