Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của tuyến đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội đạt thấp, 19,5%, dù áp dụng giá vé hỗ trợ từ 30-100% tùy nhóm khách hàng.

Cat Linh Ha Dong tau Ha Noi tau Cat linh Ha Dong 24
Hành khách đi metro Cát Linh – Hà Đông, hồi tháng 5/2023. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

UBND TP. Hà Nội vừa nêu hiện trạng hoạt động của loại hình giao thông công cộng đường sắt đô thị tại thành phố tại văn bản gửi Bộ GTVT trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến tuyến đường sắt đô thị.

Theo UBND TP, hiện nay, mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới có 1 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng là tuyến 2A Cát Linh-Hà Đông. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là thấp, mới đạt 19,5%.

Hiện giá vé đi metro vẫn áp dụng mức giảm từ 30-100% tùy nhóm đối tượng. Theo Nghị quyết số 07 ngày 10/7/2019, UBND TP. miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu vận hành thương mại;

Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khi mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho biết tuyến đường sắt là dịch vụ công ích, giá vé với mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, giảm phương tiện giao thông cá nhân.

“Do đó doanh thu từ bán vé không có khả năng bù đắp chi phí và được nhà nước trợ giá” – theo văn bản trả lời cử tri. “Kết cấu đơn giá tạm thời ban hành tại Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 09/5/2022 không có khoản mục chi phí liên quan đến lãi vay trên tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt, kinh phí trợ giá không có các khoản vay nêu trên”.

Hà Nội hiện dự tính xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị (417,8 km) tính đến năm 2045, tổng vốn cần khoảng 66,384 tỷ USD để hoàn thành.

Đến nay, TP mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến (Cát Linh – Hà Đông, 13,05 km) và đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và Nhổn – Ga Hà Nội, 24 km). Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD, năm 2008), đội vốn lên hơn 18.001 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD, năm 2016). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD).

Đi vào hoạt động từ ngày 6/11/2021, tàu được khai thác 10 phút/chuyến (giờ bình thường), 6 phút/chuyến (giờ cao điểm); sức chở tối đa 960 người/đoàn.

Hiện hành khách đi tàu mua vé theo hình thức lượt, vé ngày, vé tháng, cụ thể: giá vé chặng là 8.000-15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1 km cộng thêm 600 đồng. Giá vé ngày là 30.000 đồng, giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người và giá áp dụng với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Người già và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí vé đi tàu.

Sơn Nguyên