Hà Nội xin hạ cao trình mặt đê sông Hồng để làm đường
- Nguyễn Quân
- •
UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến thống nhất với phương án hạ cao trình mặt đê sông Hồng để xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên.
Theo văn bản 326/UBND-ĐT do UBND TP Hà Nội gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoạn đê cần điều chỉnh kéo dài là đoạn từ Km 62+500 đến Km 63+600 (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương), cao độ hạ đê đất đến dương 12,4m. Mục đích để xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên.
Theo UBND TP Hà Nội, với cao độ như trên, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra – vào đường Nghi Tàm. Phương án này sẽ mở rộng đường Nghi Tàm thêm một làn xe và tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông.
Về tính an toàn thoát lũ khi hạ độ cao đoạn đê này, UBND Hà Nội lý giải hiện thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu…). Các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng (đoạn qua địa bàn TP Hà Nội).
Ngoài ra, trong tương lai TP Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường chạy ven sông. Tuyến đường này sẽ tham gia hỗ trợ phòng chống lũ cho tuyến đê bờ hữu sông Hồng.
Do vậy, UBND TP Hà Nội cho rằng tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho thành phố.
Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đoạn đê hữu sông Hồng bảo vệ khu đô thị trung tâm TP Hà Nội (trong phạm vi đường vành đai IV) có cao trình là 13,4m, chịu được lưu lượng lũ thiết kế tại trạm thủy văn Hà Nội là 20.000m3/s.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội – ông Chu Phú Mỹ cho hay xin hạ cao trình mặt đê đất không phải là hạ chiều cao đê thấp xuống, mà xin làm tường bê tông phía ngoài bằng với chiều cao bề mặt đê, thay cho bề mặt đê, còn nửa phía trong tường thì hạ nền thấp xuống.
Tuy nhiên, về việc chống thấm, chống trượt ở mặt tường bê tông thì GS. Vũ Trọng Hồng, chủ tịch Hội Thủy lợi VN cho biết tới giai đoạn bàn giải pháp chống thấm, chống trượt thì các chuyên gia sẽ có ý kiến.
Trong khi đó, GS-TSKH Trần Hữu Uyển chuyên gia ngành nước của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho hay hiện nay đã cho xây dựng nhiều cây cầu trên sông Hồng nên đã làm thay đổi dòng chảy của sông. Nếu hạ mặt đê sẽ ảnh hưởng đến vấn đề dòng chảy. Ngoài ra, ông cũng nhắc đến khả năng xảy ra sự cố thiên tai khiến các nhà máy thủy điện đầu nguồn buộc phải xả lũ. Sự cố xả lũ miền Trung gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong năm 2016 là một ví dụ.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng hệ thống đê sông Hồng và không nên hạ thấp bất kỳ đoạn đê nào trong hệ thống ấy, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội mà cần tìm một giải pháp khác phù hợp hơn. Hiện tại, điều kiện thời tiết và biến đổi khí hậu rất phức tạp khiến việc hạ thấp mặt đê để mở rộng mặt đường là không nên.
Cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên dự kiến dọc theo đê hữu Hồng (vượt qua nút giao đường An Dương – đường Thanh Niên). Cầu dài 241m, đường dẫn lên cầu dài 185m, trong đó, phía thượng lưu dài 90m, phía hạ lưu dài 95m. Công trình có vai trò giảm ùn tắc giao thông của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016. Theo dự kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai đầu tư và sớm đưa vào khai thác sừ dụng dự án, dự kiến tiến độ thực hiện trong quý I/2017. |
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa hạ cao trình mặt đê sông Hồng hạ đê sông Hồng làm mặt đường