Một tấm bia cổ trấn yểm gần Chùa Cầu, Hội An bị phá hoại vào rạng sáng ngày 31/3.

hoi an tam bia co tran yem tai chua cau bi pha hoai
Bia yểm thủy đạo – thời điểm chưa bị phá hoại. (Ảnh: Hoàng Phúc/hoianheritage.net)

Tấm bia cổ trấn yểm tại khu vực gần chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) vừa bị đục phá nghiêm trọng, khiến toàn bộ các chữ Hán Nôm và hình chạm khắc trên mặt bia hư hại gần như hoàn toàn, truyền thông nhà nước đưa tin.

Ông Sáu Lợi (70 tuổi, ở phường Cẩm Phô) được báo chí dẫn lời cho biết khoảng 20h ngày 30/3, ông ra thắp hương thì vẫn thấy tấm bia cổ còn nguyên vẹn.

Khoảng 2h sáng ngày 31/3, khi đang ngủ trong nhà, ông thấy chó sủa rất nhiều, kèm theo tiếng búa vọng lên, nhưng ông không ra kiểm tra vì nghĩ khách du lịch đi dạo tại phố cổ.

Đến khoảng 8h sáng ngày 31/3, khi ông ra thắp hương thì phát hiện bia cổ đã bị phá hoại.

Hiện giới hữu trách đang điều tra vụ việc.

hoi an tam bia co tran yem tai chua cau bi pha hoai 1
Bia yểm thủy đạo – thời điểm bị phá hoại. (Ảnh: Anh Dũng/laodong.vn)

Tấm bia cổ trên còn được gọi là Bia yểm thủy đạo, nằm tại đường Phan Châu Trinh, phường Cẩm Phô, TP. Hội An – gần nhà số 98A đường Phan Châu Trinh, dưới gốc một cây đa cổ thụ.

Đây là một di tích thuộc khu vực bảo vệ I của Di sản Văn hóa Thế giới – đô thị cổ Hội An, được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Tấm bia được đặt trong một am thờ nhỏ xây bằng gạch, có mặt bia quay về hướng bắc. Trên mặt bia khắc chữ Hán Nôm và hình các đạo bùa.

Cụ thể, từ trên xuống dưới, nơi sát trán bia khắc 3 vòng tròn, vòng tròn ở giữa nhỏ hơn hai bên, được phân bố khá cân đối. Ở giữa gồm 3 phần, bên dưới vòng tròn chính giữa có hàng chữ Hán khắc sâu “Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo”. Dưới vòng tròn bên phải tấm bia (từ ngoài nhìn vào) khắc hình sao Bắc Đẩu thẳng đứng dọc theo thân bia gồm 7 vòng tròn nối với nhau bằng các vạch thẳng.

Ở mỗi vòng tròn khắc tên các vì sao tính từ trên xuống bằng chữ Nôm phiên âm là: Phiêu, Phủ, Tất, Hành, Quyền, Thược, Đẩu. Dưới vòng tròn bên trái khắc hai vòng tròn nối với nhau bằng một vạch thẳng. Tiếp về dưới dọc theo thân bia là hàng chữ “Án ma ni bát mê hồng”. Phần dưới cùng khắc 3 đạo bùa, chiếc ở giữa hình vuông cạnh 19cm x20cm, hai lá hai bên nhỏ hơn hình chữ nhật, kích thước 10cm x 20cm. Đạo bùa bên trái (từ ngoài nhìn vào) có các chữ Hán bị mờ. Đạo bùa bên phải có các chữ Hán “Hoả, Mộc, Thổ”. Dưới cùng của tấm bia là 3 chữ “Thái Nhạc sơn” trải hết chiều rộng bia.

Mặc dù chưa xác định chính xác niên đại lập bia, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tấm bia này có mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ tại Chùa Cầu.

Theo truyền thuyết, Chùa Cầu được xây dựng để trấn yểm thủy quái, bảo vệ cư dân khỏi thiên tai và lũ lụt. Tấm bia trấn yểm được xem là một phần của hệ thống tâm linh này, nhằm duy trì sự bình an cho cộng đồng. ​

Tấm bia này không chỉ là một hiện vật lịch sử mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với cộng đồng địa phương.

Chùa Cầu, còn được gọi là Lai Viễn Kiều, là biểu tượng nổi bật của phố cổ Hội An. Cây cầu này được xây dựng vào thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên cho cầu là “Lai Viễn Kiều”, nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”.

Minh Long