Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ
- Phạm Toàn
- •
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ cho biết có hơn 1.700 cá nhân ký tên, trên 300 tổ chức xã hội xin bảo lãnh, khoan hồng cho ông Vũ.
Ngày 23/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án MobiFone mua 95% AVG tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo và phần bào chữa của các luật sư.
Theo thông báo của HĐXX, vì lý do sức khỏe, bị cáo Phạm Nhật Vũ – cựu Chủ tịch AVG đã gửi đơn tới HĐXX, có xác nhận của bệnh viện về tình hình sức khỏe. Trong đơn, ông Vũ xin giữ nguyên các lời khai như trong kết luận điều tra, cáo trạng cũng như lời khai trước tòa.
Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Vũ, luật sư Trần Hoàng Anh cho biết tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến VKS bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ.
Các tổ chức, cá nhân có đơn xin khoan hồng có thể nói đến: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Konstantin Vasilievich Vnukov – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Atkov Oleg Yurevich – Phi công vũ trụ, Giáo sư, Anh hùng Liên bang Xô-Viết,…
Nội dung các đơn này đều khẳng định trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Luật sư cũng cho rằng Mobifone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông Phạm Nhật Vũ để mua cổ phần AVG. Sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo Vũ biếu tiền 4 cựu lãnh đạo Bộ TT&TT và Mobifone vào dịp Tết theo văn hóa người Việt mà không ý thức rằng việc này bị xem xét là hối lộ.
Luật sư Anh trình bày, ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm (đến nay vẫn còn nợ khoảng 1.000 tỷ đồng), chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
Ngoài ra, để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, theo lời luật sư, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà MobiFone chi cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng.
Theo người bào chữa, ông Vũ có điều kiện không trở về Việt Nam, nhưng bị cáo không trốn tránh mà về nước để nhận trách nhiệm, khắc phục thiệt hại.
Với những động thái đó, luật sư cho rằng ông Vũ đã ăn năn, hối cải, không chủ đích làm thất thoát tài sản nhà nước. Trong các căn cứ chỉ ra để HĐXX xem xét, người bào chữa nhấn mạnh tình tiết cựu Chủ tịch AVG đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, thành khẩn khai báo, có đơn tự nguyện đầu thú, tích cực hợp tác và cung cấp nhiều tài liệu cho cơ quan điều tra.
Từ những lập luận này, luật sư kiến nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách miễn giảm trách nhiệm hình sự, miễn giảm hình phạt.
Trước đó, VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son 16 – 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và mức án tử hình về tội “Nhận hối lộ.” Tổng hợp hình phạt bị cáo Son bị đề nghị mức án tử hình.
Cựu bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bị đề nghị 6 – 7 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” 8 – 9 năm tù về “Nhận hối lộ,” hình phạt chung 14-16 năm tù.
Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị đề nghị 3 – 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”
Cùng tội danh như hai cựu Bộ trưởng, bị cáo Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) bị đề nghị 23 – 25 năm tù, Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) 14 – 16 năm tù.
Tuấn Minh
Từ khóa Phạm Nhật Vũ MobiFone mua 95% AVG