Trong khoảng một tuần mưa lớn kéo dài, đã xảy ra 143 sự cố đê điều với tổng 27.601 m đê bị vỡ, sạt, nứt, thẩm lậu…, chưa kể 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê.  

vo de
Nước ngập thành sông tại nơi “vỡ đê có kế hoạch”, thôn Nhân Lý, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, chiều 13/10. (Ảnh: nld.com.vn)

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai dẫn báo cáo của Vụ Quản lý đê điều cho biết tính đến 17h ngày 14/10, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều do do mực nước trên các sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao.

Trong tổng 143 sự cố đê điều, đã xảy ra 50 sự cố đối với đê cấp III trở lên, 93 sự cố đối với đê cấp III trở xuống.

Cụ thể, 15 tuyến đê từ cấp III đến cấp I thuộc 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 50 sự cố đê điều, tổng chiều dài hư hại là 9.568m. 

Trong đó,

  • 19 sự cố sạt lở mái đê với tổng chiều dài 1.620 m;
  • 9 sự cố thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê, tổng 2.425 m;
  • 4 sự cố đùn sủi phía chân đê hạ lưu;
  • 7 sự cố nước tràn qua mặt đê với tổng chiều dài 4.480 m;
  • 1 sự cố nứt mặt đê dài 150 m;
  • 4 sự cố cống qua đê;
  • 5 sự cố sạt lở kè, bờ sông với tổng chiều dài 893 m

Trong đó, trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (K17+100-K17+332); nứt, sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (K32+000-K32+225); nước tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m); sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu (K30+050); lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu Lèn (K5+950).

Tại Hà Nội, đáng chú ý là vụ sạt lở mái đê (K15+965-K15+996) tả Đáy, huyện Hoài Đức.

Đối với các tuyến đê dưới cấp III hoặc đê chưa được phân cấp, đã xảy ra tổng cộng 93 sự cố, tổng chiều dài hư hại lên tới 18.033m.

Đã xảy ra:

  • 7 vụ vỡ đê với tổng chiều dài 43 m;
  • 24 sự cố sạt lở mái đê, tổng chiều dài 1.719m;
  • 4 sự cố thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê, tổng 200 m;
  • 8 sự cố đùn sủi;
  • 34 sự cố nước tràn qua đê với tổng chiều dài lên tới 15.570m;
  • 2 sự cố nứt mặt đê, dài 170 m; 9 sự cố cống qua đê;
  • 4 vụ sạt lở kè, bờ sông, tổng cộng 31 m.

Trong đó, các sự cố nguy hiểm như: thủng mang cống trạm bơm Quang Hoa tại K14+350 đê hữu Cầu Chày; sập hai bên mang cống Ông Công đê hữu sông Hoàng; 10 đoạn đê tả, hữu Cầu Chày bị tràn và xấp xỉ tràn – đều tại tỉnh Thanh Hóa.

Tại Hà Nội, đê bị tràn 11 đoạn với tổng chiều dài khoảng 13.950 m tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai; vỡ đê Bùi 2 huyện Chương Mỹ (bao ngăn lũ núi) dài 15 m.

 

Mưa lớn, dự báo không sát thực tế, xả lũ, tràn hồ

Nói về thiên tai mưa lũ lớn, từ góc độ cơ quan dự báo, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, giải thích mưa lớn do tác động của cả không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới.

Thông thường vào mùa thu, chỉ không khí lạnh, hoặc áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to. Nhưng mấy ngày qua hai hình thái này kết hợp nên mưa rất lớn“, ông Hải nói. “Lũ về hồ Hoà Bình vào trưa 11/10 đạt tới 15.940 m3/s là con số khủng khiếp chưa từng có vào tháng 10. Trước đây từng ghi nhận 12.500 m3/s vào tháng 8/1996, nhưng đó là lũ chính vụ“. Lần đầu tiên hồ Hoà Bình phải mở 8 cửa xả đáy (trong tổng 12 cửa xả đáy).

Cho rằng cơ quan khí tượng dự báo chưa sát thực tế, tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai ngày 13/10, ông Nguyễn Văn Hải (Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai) dẫn chứng: Bản tin lúc 15h15 ngày 10/10 dự báo lưu lượng nước về hồ Hòa Bình lúc 1h và 15h lần lượt là 3.800 m3/s và 2.900 m3/s, tuy nhiên lưu lượng nước về hồ thực tế lớn hơn rất nhiều, 9.300 m3/s và 11.290 m3/s. Còn vào lúc 1h ngày 12/10, dự báo lượng nước về 10.000 m3/s, thực tế lượng nước về hồ chỉ gần 6.000 m3/s…

Ngày 10/10, xảy ra sự cố vỡ đê đầu tiên tại xã Tế Nông (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Vỡ đê bối của sông Hoàng, dài khoảng 5 m khiến hơn 400 nhà dân bị ngập. Nguyên nhân do mưa lớn cộng hồ thủy lợi Yên Mỹ xả lũ liên tục từ ngày 7/10.

Đến chiều 11/10, tổng 31 hồ chứa thủy điện đồng loạt xả lũ,

Về hồ chứa thủy lợi, gần 3.000 hồ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã đầy nước, trong đó có 160 hồ lớn đã đầy và khoảng 20% hồ nhỏ có biểu hiện tràn.

Đến cuối ngày 10/10, 138 hồ chứa (64 hồ lớn, 74 hồ nhỏ) tại tại Bắc Bộ, 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ nhỏ) tại Bắc Trung Bộ cảnh báo trong tình trạng xung yếu. Hầu hết các hồ chứa nhỏ đã tràn tự do.

Các hồ lớn như Cửa Đạt, Sông Mực, Đồng Chùa (Thanh Hóa), Vực Mấu, Sông Sào (Nghệ An), Sông Rác, Thượng Sông Trí, Kim Sơn, Tàu Voi (Hà Tĩnh), Thác Chuối (Quảng Bình) đều đã phải xả nước. Nhiều hồ gặp sự cố như hồ Ông Già, đập Cồ Bương, hồ Đập Cầu (Thanh Hóa), hồ Cháu Mè, hồ Rộc Cốc (Hòa Bình), đập Trại Gà (Nghệ An).  

102 người chết và mất tích, hơn 250.000 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi

Tính đến 21h ngày 14/10, đã có tổng 68 người chết, tăng 8 người so với báo cáo ngày 13/10. Nhiều nhất tại Hòa Bình (20 người), Thanh Hóa (16 người), Yên Bái (14 người). 34 người mất tích, giảm 3 người so với báo cáo ngày 13/10, trong đó Yên Bái nhiều nhất (14 người), Hòa Bình vẫn đang mất tích 13 người. Ngoài ra, 32 người bị thương trong mưa lũ.

46.177 nhà bị ngập, sập đổ hư hỏng 221 nhà, phải di dời khẩn cấp 2.298 nhà

7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm đã bị chết, cuốn trôi.

Diện tích ngập úng còn 126.515 ha, giảm so với báo cáo nhanh ngày 13/10 là 31.485 ha. Theo Tổng cục Thủy lợi, dự kiến tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định, 3-5 ngày ở các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. 17.105 ha cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung bị ngập úng.

Thanh Hóa còn 3 xã bị cô lập, gồm Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc).

Sạt lở nghiêm trọng tại xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) ngày 12/10; nửa quả đồi sạt xuống, vùi lấp 18 người. Sạt lở do lũ ống, lũ quét kinh hoàng vào rạng sáng 11/10 khiến huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tan hoang.

Nguyễn Quân

Xem thêm: