Huyện miền núi Thanh Hóa tiếp tục sạt lở, núi đất sau một trường tiểu học sạt dài 70m
- Nguyễn Sơn
- •
Huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) tiếp tục ghi nhận thêm nhiều khu vực trong diện “công bố tình huống khẩn cấp sạt lở”. Khoảng 200 người dân hai bản, cùng 185 cháu học sinh, 16 giáo viên của một trường tiểu học phải sơ tán để bảo toàn tính mạng.
Theo Quyết định số 4163/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất do UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành, ba khu vực tại huyện Mường Lát, gồm thị trấn Mường Lát, xã Trung Lý, xã Quang Chiểu đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Tại khu phố Na Khà (thị trấn Mường Lát), phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân đang sinh sống dọc theo tuyến đường liên xã Na Khà – Chiên Pục là vách taluy.
Hiện tại, vách taluy đã xuất hiện một khối sạt, trượt rất lớn, chiều dài khoảng 120m, trên khối sạt xuất hiện nhiều vết nứt lớn; khối sạt trượt đã làm bung, vỡ nát khoảng 100m đường bê tông trên mặt cơ, áp sát vào tường Nhà văn hóa Na Khà, làm nứt toàn bộ tường, sàn, xô đẩy cột của Nhà văn hóa. Sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 25hộ/123 nhân khẩu, hư hỏng Nhà văn hóa, tuyến đường bê tông mặt cơ, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông liên xã Na Khà – Chiên Pục và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.
Tại bản Suối Tút (xã Quang Chiểu), bên cạnh khu dân cư bản suối Tút, xã Quang Chiểu có một khe suối, phía sau khu dân cư là núi cao, có độ dốc rất lớn. Hiện tại sườn núi (vị trí dọc theo khe suối) đã xuất hiện rất nhiều vết nứt và một điểm sạt lở rất lớn có chiều dài hơn 100m, điểm rộng nhất hơn 50m, cách trun gtâm bản theo phương ngang khoảng 500m; đặc biệt đất sạt lở kèm theo cây cối hiện nay tập trung thành khối lớn, chắn ngang vị trí khe suối, sườn núi, có nguy cơ tạo thành đập chắn giữ nước, với địa hình núi rất dốc, khi có mưa lớn có nguy cơ tạo ra sạt lở đất và lũ quét cực kỳ nguy hiểm.
Sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ/77 nhân khẩu, 1 điểm trường Tiểu học Quang Chiểu 1, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông liên thôn và các hộ dân sống bên kia đường.
Tại Trường Tiểu học Trung Lý 1 (xã Trung Lý), khu vực phía sau Trường Tiểu học Trung Lý 1, xã Trung Lý là núi đất có độ dốc khá lớn; hiện tại núi đất này xuất hiện một cung sạt với chiều dài khoảng 70m, đỉnh cung sạt bị tụt so với vị trí ban đầu (theo phương đứng) khoảng 1m, chiều rộng khe nứt lớn nhất khoảng 30cm; sạt lở đã làm cho tường chắn đất và mái kè taluy của trường xuất hiện các vết nứt nhỏ.
Cung sạt trên có nguy cơ rất cao làm sạt lở đất và ảnh hưởng trực tiếp đến 1 hộ/4 nhân khẩu, 185 cháu học sinh, 16 giáo viên, toàn bộ khu nhà hiệu bộ, các phòng học của Trường Tiểu học Trung Lý 1; nguy cơ ảnh hưởng đến Quốc lộ 15C và các hộ dân sinh sống bên kia đường.
Theo lý giải của UBND tỉnh Thanh Hóa, tình trạng sạt lở trên là “do ảnh hưởng của cơn bão số 3, bão số 4 và các hình thế thời tiết gây mưa, trong tháng 9/2024”.
Giải pháp hiện tại là cắm biển sự cố, khoanh vùng, lập rào chắn, cử người canh gác 24/24h tại khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, cấm người, xe và vật nuôi đi vào các khu vực nêu trên.
Người dân, học sinh và giáo viên trong khu vực bị nguy hiểm phải đi sơ tán/di dời, không được trở lại, nhất là khi có mưa lớn xảy ra. UBND huyện Mường Lát sắp xếp chỗ ở/chỗ học tạm và hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho học sinh, giáo viên và người dân phải đi sơ tán/di dời.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Mường Lát tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, hư hỏng cơ sở hạ tầng do sạt lở gây ra và xác định giải pháp xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện.
Trước đó, ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định công bố 5 tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại huyện Mường Lát. Các khu vực nguy hiểm được nêu gồm điểm sạt lở tại công trình nhà ở bán trú học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý (xã Trung Lý); sạt lở đất nhiều vị trí tại khu dân cư bản Tung (xã Trung Lý); sạt lở bờ suối Xim thuộc khu dân cư bản Chai và bản Ngố (xã Mường Chanh); sạt lở đất làm đứt gãy đường giao thông từ bản Ngố (xã Mường Chanh) đi bản Pù Đứa (xã Quang Chiểu); sạt lở bờ suối Poong tại khu dân cư bản Na Tao (xã Pù Nhi).
Theo TTXVN, tại huyện Mường Lát, hầu hết các xã thị trấn đều có những vùng trọng điểm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét, đặc biệt là khu vực nằm ven các tuyến đường dọc sông Mã. Bản tin dẫn lời ông Khuất Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho hay nhiều khu vực người dân sinh sống nằm bên bờ sông Mã, ngay trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Mỗi khi mưa lũ về, nước lũ lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy về, thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn khiến bờ sông dễ sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ nguy cơ sạt lở lớn.
Huyện Mường Lát là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP. Thanh Hóa 250 km về phía Tây, địa hình chủ yếu là núi cao, nhiều sông suối. Hơn 95% dân cư trong huyện là người tộc thiểu số (các tộc chiếm số lớn là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú). Đây là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Từ khóa Mường Lát thanh hóa sạt lở