Ngày 26/10, bão số 8 sẽ đổ bộ vào đất liền song từ hôm nay, 25/10, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa vừa, mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm. Nguy cơ lớn đến từ bão Molave (dự báo trở thành bão số 9) với sức gió giật tới cấp 15, bán kính rất rộng, khả năng đổ bộ vào miền Trung từ ngày 28/10.

bao so 8 bao so 9 1
Dự báo thời gian, hướng di chuyển của bão số 8 và bão Molave (bão số 9). (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Bão số 8 gây ảnh hưởng từ 25-16/10

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 10h sáng nay (ngày 25/10), vị trí tâm bão số 8 còn cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Đến 10h sáng mai (ngày 26/10), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khu vực Lào-Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Theo đó, dự báo vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) sẽ từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong ngày hôm nay (25/10), trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh; vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Từ ngày 25-26/10, mưa vừa tới mưa to sẽ xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm.

Do xảy ra mưa trên diện rộng, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,0m. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức báo động 1-báo động 2, riêng đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) ở trên mức báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

Dự báo cơn bão số 9: Tăng cấp rất nhanh, đổ vào đất liền từ 28/10

Vào lúc 1h sáng nay, 25/10, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông miền Trung Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Molave. vị trí tâm bão Molave ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 127,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

6 tiếng sau, đến 7h sáng, bão Molave đã di chuyển được thêm 120km, vị trí tâm bão Molave cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão tăng cấp, mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng mạnh thêm, dự báo đến 7 giờ sáng ngày 28/10, vị trí tâm bão còn cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

bao so 8 bao so 9
Hướng đường đi (dự báo) của bão số 9. Thông tin (hướng bão di chuyển, ngày) mô phỏng theo bản vẽ của TS Nguyễn Ngọc Huy. (Hình ảnh: windy.com)

“Đây là một cơn bão rất mạnh khi nó nhận được hầu hết các điều kiện thuận lợi để phát triển thành một cơn bão cuồng phong (Typhoon CAT 1- CAT 2) như: không gặp chướng ngại vật sau khi vào biển Đông, nhiệt độ mặt biển đã được hun nóng lên 27-28 độ C khu vực gần bờ sau hơn 1 tuần nắng, không khí lạnh áp cao suy giảm ảnh hưởng và tàn dư hơi ẩm của hoàn lưu bão số 8 để lại.

Với những thuận lợi này, bão có thể đạt vận tốc gió ở tâm bão 150km/h khi bão đi qua khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa”, TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia Biến đổi khí hậu đưa cảnh báo trên trang cá nhân.

Theo ông Huy, thời gian bão Molave (bão số 9) đổ bộ đất liền có thể vào khoảng buổi trưa ngày 28/10 (cũng có khả năng vào muộn hơn). Từ sáng cùng ngày, mưa lớn và gió bão đã gây ảnh hưởng vùng bờ biển.

Khả năng cao bão sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ngãi tới Huế , do bão đi theo phương chéo nên ở phía Nam Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng trước. Bão có bán kính rất rộng, nên vùng ảnh hưởng gió lớn dự báo từ Phú Yên tới Quảng Bình và các tỉnh phía bắc Tây Nguyên.

Tâm mưa có khả năng sẽ dịch chuyển dần từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam -Đà Nẵng sau đó mưa như trút nước ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế ra Quảng Trị trong các ngày từ 28-29/10.

Mặc dù bão Molave phát triển rất lớn, ông Huy lưu ý có một điểm yếu có thể khiến cơn bão giảm cấp. Đó là hiện tượng mây di chuyển quá nhanh sẽ khiến bão bị vỡ cấu trúc. “Điều này xảy ra với nhiều cơn bão lớn và chúng ta cùng hy vọng vào khả năng này” – ông Huy cho hay.

Có thể nhận tiếp cơn bão số 10?

Theo ông Huy, một vùng áp thấp khác ở phía Đông của Philippines có dấu hiệu mạnh lên và khả năng sẽ di chuyển vào biển Đông vào ngày 1/11. Nếu hình thành bão, khả năng cơn bão sẽ tiếp cận bờ biển Nam Trung Bộ từ ngày 3/11.

Nên tránh bão số 9 như thế nào?

Tính đến sáng 25/10, mưa lũ đã khiến 130 người chết và 18 người mất tích, chưa công bố con số thiệt hại về tài sản. Việc sơ tán, chuẩn bị trước bão càng cần thiết trước dự báo bão số 8 đang chuẩn bị đổ bộ, bão số 9 liên tục tăng cấp, hướng vào Biển Đông.

TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo việc sơ tán tránh bão số 9 (nếu có) nên được hoàn thành trước 16h ngày 27/10, với một số việc nên thực hiện như:

– Các thuyền đánh cá đang hoạt động ở ngoài khơi phía Nam quần đảo Hoàng Sa nên nhanh chóng vào bờ. Di chuyển hướng Nam và chếch Tây Nam để vào bờ tránh vùng tâm bão đi qua. Phía Trung và Bắc Trung bộ nên khuyến cáo ngư dân không ra khơi các ngày từ 27/10 đến ngày 5/11 (dự phòng thêm cho cơn số 10). Các tàu hàng cỡ lớn nên sớm tìm cảng trú ẩn, hoặc đi tránh đường đi của bão (theo bản đồ).

– Người nuôi trồng hải sản từ Khánh Hòa đến Quảng Nam nên thu hoạch sớm những loại hải sản sắp đến kỳ thu hoạch. Những hải sản còn nhỏ nên tập kết lại một số lồng được bảo vệ kiên cố. Tuyệt đối không để công nhân ở lại lồng bè. Những gia đình có trang trại gà, lợn, bò mà ở vùng thấp trũng cũng nên di chuyển đến nơi cao.

– Chính quyền các tỉnh ở Vùng tâm bão có khả năng đi qua nên có kế hoạch sơ tán người dân khỏi vùng xung yếu, vùng thấp trũng và sơ tán ra khỏi những căn nhà cấp 4 có mái ngói và mái tôn. Nên ưu tiên sơ tán tại chỗ (nghĩa là sơ tán tới những nhà cao tầng trong cùng một thôn, xã), thay vì sơ tán tập trung; chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ trong 1 tuần; sạc đầy điện thoại, mua ắc quy dự phòng để thắp sáng và để sạc điện thoại; chuẩn bị bếp gas mini, bếp dầu, nến và máy lửa.

– Với những nhà cấp 4 yếu, hãy giúp chèn bao cát, bịch nước lên mái, giằng chống nhà cửa bằng dây neo thép để bảo vệ nhà, đóng kín cửa sổ, bịt kín ô thoáng, sơ tán đồ đạc có giá trị ra khỏi nhà yếu. Mọi người cần sơ tán khỏi nhà vì dù được giằng chống thì những nhà này cũng sẽ không an toàn.

Các tỉnh nên thiết lập đường dây nóng cứu hộ ngay từ bây giờ và cung cấp cho người dân biết.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: