‘Khan’ nước ở Sa Pa: ‘Cắt’ nước nông nghiệp, vận động khoan giếng
- Nguyễn Sơn
- •
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt đang diễn ra rất gay gắt tại thị trấn Sa Pa.
Tạm dừng thi công để tiết kiệm nước
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản chỉ đạo UBND huyện Sa Pa thông báo tạm ngừng thi công các công trình có nhu cầu sử dụng nước lớn trên địa bàn thị trấn. Đây là một trong những giải pháp để không xảy ra tình trạng thiếu nước tại thị trấn trong dịp 30/4 – 1/5
Thời gian tạm ngừng thi công từ ngày 25/4 đến hết ngày 1/5 (7 ngày).
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Sa Pa hướng dẫn, vận động người dân đầu tư khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt; khuyến khích người dân và du khách sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt; thực hiện phương án đảm bảo nước sinh hoạt trong dịp nghỉ lễ 30/4.
UBND tỉnh cho biết đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa với công suất 15.000m/ngđ.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 253,781 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 25,377 tỷ đồng.
Nhà đầu tư trúng thầu sẽ thực hiện Dự án theo hợp đồng BOO trong 50 năm. Thời gian xây dựng công trình là 95 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Dự kiến dự án được khởi công trong tháng 9/2019, khoảng ngày 2/9 hoàn thành giai đoạn 1.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển.
4/5 nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước đã cạn kiệt
Ngày 23/4, tại cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa) dịp 30/4-1/5, Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai cho biết hiện lượng nước được cung cấp với công suất 6.000 m3/ngày đêm. Những ngày qua, nhu cầu sử dụng nước của khách hàng trên địa bàn thị trấn từ 4.000-4.500 m3/ngày đêm. Nhu cầu sử dụng nước sạch ngày cuối tuần lên tới trên 6.000 m3/ngày đêm.
Theo công ty quản lý, do nắng nóng kéo dài, 4/5 nguồn nước cung cấp cho Nhà máy Xử lý nước Sa Pa đã cạn kiệt, còn duy nhất nguồn Suối Hồ 2 cung cấp nước thô cho nhà máy. Nguồn cung cấp nước duy nhất này cũng là nguồn nước người dân thôn Suối Hồ đang dùng cho canh tác vụ mùa.
Do thiếu nước thô cấp cho Nhà máy Xử lý nước Sa Pa, sản lượng nước thương phẩm chỉ đạt 3.000 m3/ngày đêm, đáp ứng được 50% nhu cầu của thị trấn Sa Pa – đơn vị cung cấp nước cho hay.
Giải pháp trước mắt, UBND huyện Sa Pa cho biết đã thỏa thuận với người dân thôn Suối Hồ tạm ngừng sử dụng nguồn nước Suối Hồ 2, để phục vụ nước sinh hoạt cho thị trấn Sa Pa.
Về thiệt hại sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Sa Pa cho biết sẽ huy động trên 500 triệu đồng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu nước; đồng thời tuyên truyền cho người dân và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn sử dụng nước tiết kiệm.
Nhằm mục tiêu cung cấp đủ nước cho thị trấn Sa Pa trong dịp 30/4-1/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND huyện Sa Pa nhanh hoàn thiện hồ sơ, thỏa thuận, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khi khai thác nguồn nước Suối Hồ 2; tạm ngừng thi công các công trình có nhu cầu sử dụng nước lớn tại thị trấn đến hết dịp nghỉ lễ; vận động người dân đầu tư khai thác nguồn nước ngầm dùng trong sinh hoạt, khuyến khích người dân, du khách sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt.
Bệnh viện, khách sạn, nhà hàng thiếu nước
Theo Báo Lào Cai đưa tin, từ ngày 14/4, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt diễn ra rất gay gắt tại thị trấn Sa Pa. Nguyên nhân do thiếu nguồn nước thô để Nhà máy xử lý nước Sa Pa hoạt động. Lượng nước cung cấp (hơn 3.000 m3) chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng của khách hàng trong toàn thị trấn.
Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa có nhu cầu sử dụng trên 70 m3 nước/ngày đêm. Tuy nhiên, từ ngày 14/4, Chi nhánh cấp nước Sa Pa chỉ cung cấp được từ 20-30 m3/ngày đêm, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh.
Theo đề nghị của lãnh đạo bệnh viện, UBND huyện Sa Pa đã đồng ý cho Công an tỉnh dùng xe chữa cháy và huy động các xe téc xi trên địa bàn chở nước sạch từ bể của Chi nhánh cấp nước Sa Pa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa. Tuy nhiên, ông Phạm Lê Chung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa, cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lượng nước vận chuyển bằng xe từ Chi nhánh cấp nước Sa Pa mỗi ngày chỉ đảm bảo nhu cầu tối thiểu của bệnh viện.
Trong hoạt động kinh doanh, hàng loạt nhà hàng, khách sạn thiếu nước. Khách sạn Lodge có tổng số 80 phòng, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 100 m3. Hiện khách sạn này đang phải mua nước hàng ngày của những gia đình có giếng khoan với giá 900.000 đồng/2,5 m3, đồng thời hủy một nửa số phòng khách đặt vào dịp 30/4-1/5.
Nhiều nhà hàng, khách sạn khác đang mua nước của các vùng lân cận như Sa Pả, Lao Chải, Thác Bạc… với giá thấp nhất là 200.000 đồng/m3, thời điểm đắt nhất lên tới 500.000 đồng/m3.
Khách sạn Q Sa Pa có tổng số 38 phòng, hiện đóng cửa toàn bộ vào cuối tuần để khoan giếng, chi phí khoan giếng gần 30 triệu đồng.
Nguyễn Sơn (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Sa Pa thiếu nước sạch